BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG NHÀ THẦU LÀ HỢP TÁC XÃ TRONG NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ VỀ TƯ CÁCH HỢP LỆ CỦA NHÀ THẦU
Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 - 11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ ràng hơn về Quỹ chung không chia, nhất là việc xử lý Quỹ này khi giải thể HTX; đề nghị phân định rõ việc hình thành tài sản chung không chia từ 02 nguồn, từ ngân sách nhà nước hay từ HTX, liên hiệp HTX để có cách xử lý phù hợp. Có ý kiến nhất trí với quy định cho phép tài sản chung không chia và Quỹ chung không chia khi HTX bị phá sản, giải thể, được chuyển giao cho các HTX khác trên địa bàn; đề nghị bổ sung quy định mở sổ theo dõi riêng đối với Quỹ chung không chia nhằm tăng hiệu quả sử dụng vốn của HTX, liên hiệp HTX.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu và thể hiện tại các Điều 84, 86, 87, 100 và 101 theo hướng phân định rõ các nguồn hình thành Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia của HTX, liên hiệp HTX và đưa ra các nguyên tắc xử lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia theo nguồn hình thành khi HTX, liên hiệp HTX giải thể, phá sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Cụ thể, quỹ chung không chia, tài sản chung không chia được hình thành từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo quy định được giao cho UBND nơi cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX để bàn giao cho HTX, liên hiệp HTX khác. Trường hợp không giao được cho HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn thì chuyển vào ngân sách nhà nước hoặc bàn giao cho tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX tại địa phương theo quy định. Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia được hình thành từ nguồn cho, tặng, tài trợ hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì thực hiện theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức cho, tặng, tài trợ và HTX, liên hiệp HTX. Tại khoản 1 Điều 86 quy định về việc HTX, liên hiệp HTX phải lập sổ theo dõi Quỹ chung không chia theo nguồn hình thành.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét mở rộng thêm mục đích sử dụng đối với Quỹ chung không chia như làm tài sản bảo đảm khi vay vốn, bổ sung nguồn vốn từ Quỹ chung không chia vào vốn điều lệ hoặc vốn đăng ký của HTX, liên hiệp HTX… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung nguồn vốn từ Quỹ chung không chia vào vốn điều lệ là không phù hợp do vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập hoặc trong quá trình hoạt động HTX, liên hiệp HTX, trong khi đó Quỹ chung không chia là quỹ đặc thù, được trích lập hằng năm từ các nguồn của HTX, liên hiệp HTX theo quy định tại Điều 84.
Nhằm bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và tạo điều kiện để đưa nguồn vốn từ Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia vào phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả sử dụng vốn của HTX, liên hiệp HTX, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung quy định tại Điều 86 và Điều 87 về việc HTX, liên hiệp HTX được sử dụng Quỹ chung không chia nhàn rỗi để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng; sử dụng Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và phải bảo toàn vốn, tài sản; trừ các khoản quỹ chung không chia, tài sản chung không chia từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định khác; tại khoản 1 Điều 80 quy định Quỹ chung không chia là một trong các nguồn hình thành vốn hoạt động của HTX, liên hiệp HTX.
Có ý kiến đề nghị bổ sung phân định thẩm quyền quyết định chuyển nhượng, thanh lý tài sản chung không chia cho Hội đồng quản trị, bên cạnh thẩm quyền của Đại hội thành viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, liên hiệp HTX trong quá trình hoạt động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với tổ chức quản trị đầy đủ, tại Điều 63 (Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị đầy đủ) quy định Đại hội thành viên thông qua quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ; thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; tại Điều 65 (Quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng quản trị) quy định Hội đồng quản trị có quyền chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản của HTX, liên hiệp HTX theo thẩm quyền.
Đối với tổ chức quản trị rút gọn, tại Điều 69 (Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn) quy định Đại hội thành viên thông qua quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ; định giá hoặc thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; tại Điều 70 (Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn) quy định Giám đốc được chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản của HTX, liên hiệp HTX theo thẩm quyền do Đại hội thành viên giao. Như vậy, thẩm quyền của Hội đồng quản trị (đối với tổ chức quản trị đầy đủ) hoặc Giám đốc (đối với tổ chức quản trị rút gọn) về việc chuyển nhượng, thanh lý, xử lý tài sản của HTX, liên hiệp HTX đã được quy định tại dự thảo Luật bên cạnh thẩm quyền của Đại hội thành viên.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định Quỹ chung không chia của tổ hợp tác, vì tổ hợp tác cũng có thể được Nhà nước hỗ trợ về tài chính, đất đai… như đối với HTX.
Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc hình thành Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia là một đặc thù của HTX, liên hiệp HTX; việc quản lý, sử dụng Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia phải được quy định trong Điều lệ, quy chế về quản lý tài chính của HTX, liên hiệp HTX. Trong khi đó tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Với mô hình tổ chức lỏng lẻo, quản trị đơn giản, khó giám sát, kiểm tra và dễ bị thất thoát ngân sách nhà nước, do đó, không đặt ra việc hình thành và quản lý Quỹ chung không chia, tài sản chung không chia đối với tổ hợp tác.