QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ TỶ LỆ SỞ HỮU CỔ PHẦN TRONG LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

05/05/2023

Dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo những góc nhìn từ pháp luật quốc tế về tỷ lệ sở hữu cổ phần.

TÍCH CỰC THAM KHẢO KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRONG SỬA ĐỔI LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Trong quá trình xây dựng luật, việc tham khảo kinh nghiệm phát triển và quản lý các tổ chức tín dụng của một số nước trên thế giới là cần thiết để đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao, đảm bảo tính hài hòa pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần, Điều 54 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ các trường hợp sau đây: Sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 102, khoản 3 Điều 108 của Luật này; Sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa; Sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Hội thảo trao đổi về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ngân hành thế giới tại Việt Nam tổ chức.

Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.  Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này bao gồm cả số cổ phần do doanh nghiệp mà cổ đông đó sở hữu từ 65% vốn điều lệ trở lên nắm giữ. Tỷ lệ sở hữu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày được cấp Giấy phép, các cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

Để hoàn thiện dự án luật đạt chất lượng cao, cơ quan soạn thảo đã chủ động tham khảo những góc nhìn từ pháp luật quốc tế về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Theo đó, tại Singapore, người nước ngoài không được nắm quyền kiểm soát bất kỳ ngân hàng hoặc công ty tài chính nào thuộc sở hữu của Singapore được quản lý bởi Cơ quan tiền tệ Singapore. Nhà đầu tư nước ngoài muốn có quyền kiểm soát gián tiếp và cổ phần hoặc quyền kiểm soát biểu quyết vượt quá 5%, 12% hoặc 20% cần được Bộ trưởng phê duyệt. Trong quá trình phê duyệt nếu vượt quá ngưỡng giới hạn, Bộ trưởng có quyền áp dụng các điều kiện cần thiết để ngăn chặn việc kiểm soát quá mức, bảo vệ lợi ích công và đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống tài chính.

Tại Mexico, cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài được phép nắm giữ 15% vốn cổ phần của một tổ chức tín dụng, một cách gián tiếp, thông qua một pháp nhân Mexico.

Các khoản đầu tư vào Malaysia được xem xét kỹ về tác động đến năng suất, hiệu quả và chất lượng của các dịch vụ tài chính

Tại Malaysia, một thể nhân chỉ được nắm giữ tối đa 10% cổ phần của một ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư, ngân hàng Hồi giáo. Trong trường hợp vượt quá tỷ lệ này cần có cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Negara Malaysia (Ngân hàng), tùy từng trường hợp. Sự chấp thuận sẽ không được cấp trừ khi Bộ trưởng Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng, tùy từng trường hợp, xác định rằng ứng dụng sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho Malaysia.

Khi đưa ra quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Ngân hàng sẽ xem xét: tác động của khoản đầu tư đến mức độ và bản chất của hoạt động kinh tế ở Malaysia, bao gồm cả tác động đến năng suất, hiệu quả và chất lượng của các dịch vụ tài chính; đóng góp vào việc tăng cường liên kết thương mại và đầu tư quốc tế giữa Malaysia và các nước khác; tác động của khoản đầu tư đối với sự ổn định của hệ thống tài chính, bao gồm cả hành vi và hành vi có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính; hoặc mức độ và tầm quan trọng của sự tham gia của người Malaysia trong lĩnh vực tài chính.

Tại Chile, các cá nhân, pháp nhân trong nước và nước ngoài không được phép mua trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3 vượt quá 10% cổ phần của ngân hàng mà không có sự cho phép của Cơ quan giám sát ngân hàng và tổ chức tài chính (SBIF). Ngoài ra, các đối tác hoặc cổ đông của một tổ chức tài chính không được chuyển nhượng phần trăm quyền hoặc cổ phần trong công ty của họ vượt quá 10 phần trăm mà không được SBIF cho phép.

Tại Brunei, cơ quan quản lý tiền tệ Brunei Darussalam có toàn quyền quyết định không cấp giấy phép cho ngân hàng nếu thấy rằng: ngân hàng có quan hệ mật thiết với bất kỳ người nào chịu sự điều chỉnh của bất kỳ luật nào của bất kỳ khu vực tài phán nào bên ngoài Brunei Darussalam hoặc các quy định hành chính có thể ngăn cản việc thực hiện hiệu quả các chức năng giám sát của Autoriti Monetari Brunei Darussalam đối với ngân hàng; hoặc 50 phần trăm trở lên vốn đã phát hành và thanh toán được sở hữu bởi hoặc thay mặt cho một chính phủ nước ngoài, hoặc tất cả hoặc phần lớn những người có quyền chỉ đạo, kiểm soát hoặc quản lý ngân hàng được chỉ định bởi hoặc thay mặt cho bất kỳ chính phủ hoặc cơ quan nào như vậy.

Minh Hùng