XEM XÉT RÚT NGẮN THỜI HẠN CẤP GIẤY PHÉP CHO CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

09/05/2023

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 23. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đóng góp ý kiến về thời hạn cấp giấy phép và đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng quy định về thời hạn cấp Giấy phép tại dự thảo Luật như hiện nay là quá dài, lên tới 180 ngày, nên giảm thời gian cấp giấy phép tối đa xuống 120 ngày.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam, việc xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; có quy định để kịp thời xử lý khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro thanh khoản cũng như các biện pháp đặc biệt để xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về điều kiện cấp Giấy phép, một số quy định tại dự thảo Luật giao NHNN quy định về các điều kiện (như điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty TNHH một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập; điều kiện cấp Giấy phép đối với ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô) là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại toàn bộ các quy định đang giao NHNN tại dự thảo Luật và chỉnh sửa phù hợp.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ việc sửa đổi đối với điều kiện của cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập từ “có đủ khả năng tài chính để góp vốn” (điểm b khoản 1 Điều 20 Luật hiện hành) thành “có cam kết đủ khả năng tài chính để góp vốn” và sửa đổi điều kiện “có Đề án thành lập, phương án khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng...” (điểm đ Điều 20 Luật hiện hành) thành “có Đề án thành lập, phương án kinh doanh không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống các tổ chức tín dụng” (bỏ yếu tố “khả thi”).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng năng lực tài chính là một điều kiện hết sức quan trọng để được cấp Giấy phép thành lập tổ chức tín dụng, đồng thời phù hợp với tiêu chí về cấp phép theo các nguyên tắc về thanh tra, giám sát ngân hàng hiệu quả của Ủy ban Basel. Việc đánh giá điều kiện này chỉ dựa vào cam kết có thể dẫn đến rủi ro khi cấp phép thành lập, nhất là trường hợp doanh nghiệp không có năng lực tài chính thực chất. Đối với Đề án thành lập, phương án kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc chỉ quy định không gây ảnh hưởng đến sự an toàn hoặc không tạo ra sự độc quyền... thiếu tính cụ thể, khó đánh giá, nhất là trong giai đoạn chưa đi vào hoạt động. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát đối với quy định này.

Về thời hạn cấp Giấy phép (Điều 22) và đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động (Điều 24), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nhiều ý kiến cho rằng quy định về thời hạn cấp Giấy phép tại dự thảo Luật như hiện nay là quá dài (180 ngày). Vì vậy, nên giảm thời gian cấp giấy phép tối đa xuống 120 ngày (4 tháng). Mặt khác để phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng, nên có phân loại thời hạn cấp giấy phép đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để giảm thiểu thủ tục hành chính cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Đối với điều kiện khai trương hoạt động (Điều 26) và thu hồi Giấy phép (Điều 28), Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trường hợp tại khoản 3 Điều 26 về giấy phép đã cấp hết hiệu lực do quá thời hạn 12 tháng mà không khai trương hoạt động thì tổ chức tín dụng vẫn được giữ Giấy phép hay NHNN thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép đã cấp theo quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật. Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi và minh bạch khi áp dụng quy định này, cần làm rõ quy định về “cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành” tại điểm c khoản 2 Điều 26 có tương đồng với quy định về “cơ cấu tổ chức quản lý” tại Điều 32 của dự thảo Luật hay không.

Ngoài ra, về những thay đổi phải được NHNN chấp thuận (Điều 29), Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thuyết minh lý do không tiếp tục quy định NHNN chấp thuận thay đổi việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn thành cổ đông thường như quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 29 Luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị làm rõ “trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng” của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông, người mua, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các thủ tục xin chấp thuận đối với các nội dung quy định tại điểm đ Điều 29 của dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch, không phát sinh thêm thủ tục hành chính trong trường hợp này.

Minh Hùng