RÕ NGUYÊN TẮC LUẬT HÓA CÁC NỘI DUNG CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 42/2017/QH14 VỀ THÍ ĐIỂM XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

10/05/2023

Chiều 9/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Quan tâm đến quy định về xử lý nợ xấu, các ý kiến đề nghị rà soát các nội dung xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, chỉ xem xét luật hóa những vấn đề mà phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh Luật Các tổ chức tín dụng, phù hợp với Hiến pháp, không chồng chéo với các quy định của các luật khác có liên quan.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/5: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

Rà soát kỹ lưỡng các nội dung xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo để luật hóa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Sau 05 năm thực hiện, các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã quyết định cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ hợp thứ 5.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, dự thảo Luật luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Dự thảo Luật cũng luật hóa và sửa đổi, bổ sung quy định về mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, trong tổ chức này được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng (bao gồm cả tổ chức tín dụng liên doanh và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài); luật hóa và sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bổ sung quy định giải thích nội hàm khái niệm “thu giữ tài sản bảo đảm”; bổ sung điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm, về nghĩa vụ thông báo của tổ chức tín dụng, tổ chức mua, bán nợ xấu; luật hóa và sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính, trong đó bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung quy định về việc hoàn trả tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bị tạm giữ

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật về xử lý nợ xấu , tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp, vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý dự thảo Luật không còn giới hạn thời điểm xác định nợ xấu như tại Nghị quyết số 42, đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng, phân loại nợ xấu phù hợp. Quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm cần được làm rõ bản chất, mục tiêu, điều kiện và phạm vi thực hiện và vai trò của cơ quan nhà nước tham gia trong việc thu giữ tài sản bảo đảm, phù hợp với Hiến pháp và các luật có liên quan.

Xem xét luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42 phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng

Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ luật này sửa toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, 2017, đồng thời luật hóa Nghị quyết 42, nhưng không phải luật hóa toàn bộ Nghị quyết 42.

Nghị quyết 42 quy định rộng hơn Luật Các tổ chức tín dụng bởi còn có các quy định liên quan cả tố tụng hình sự, thi hành án, tố tụng dân sự, các biện pháp bảo đảm tài sản, liên quan rất nhiều luật khác. Đến nay khi hết thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 cần luật hóa một số nội dung của Nghị quyết vào Luật.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý rằng chỉ xem xét luật hóa những vấn đề mà phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh Luật Các tổ chức tín dụng, các vấn đề khác thì cần luật hóa trong các luật khác với của Luật Tổ chức tín dụng, còn luật hóa các vấn đề còn lại thì phải luật hóa trong luật khác như luật hóa về xét xử ngắn gọn phải trong các luật về tố tụng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần phải làm rõ việc sửa đổi luật lần này có những nội dung nào sửa luật cũ có nâng cấp, nội dung nào luật hóa từ Nghị quyết số 42. Đối với một số nội dung của Nghị quyết 42 không luật hóa thì cần rà soát phân loại để chọn lọc các nội dung quay lại áp dụng pháp luật bình thường; đồng thời nghiên cứu khi sửa các luật riêng khác

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 cũng được chia thành 3 loại. Theo đó, luật hóa toàn bộ đối với những quy định mà thực hiện áp dụng đạt kết quả tốt. Ngoài ra sẽ có những nội dung luật hóa một phần và luật hóa nhưng có sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh nếu làm rõ ràng, rành mạch những vấn đề này thì sẽ tăng tính thuyết phục của luật.

Phân định nợ xấu do lỗi khách quan và lỗi chủ quan để có ứng xử phù hợp

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, để bảo đảm đúng đối tượng hỗ trợ trong xử lý nợ xấu, cần nghiên cứu chỉnh lý lại quy định về nợ xấu theo hướng chỉ khoanh vùng đối với các khoản nợ xấu hình thành do các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, khó khăn chung của nền kinh tế, v.v. Không áp dụng đối với khoản nợ xấu hình thành từ ý thức chủ quan của những hành vi vi phạm quy định kiểm soát hoạt động tín dụng, cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp hạn chế giới hạn cấp tín dụng mà chưa thu hồi được.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long

Ngoài ra liên quan đến việc thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, đề nghị nghiên cứu chỉnh lý các quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ cho phù hợp với thỏa thuận quan hệ dân sự, với sự hỗ trợ của chính quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tránh xung đột pháp luật. Cần nghiên cứu bổ sung quy định đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, bao gồm quyền thu giữ theo thỏa thuận (nếu có) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tài sản đảm bảo để đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật theo quy định tại Điều 16, Điều 51 của Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể hoạt động thu giữ trong trường hợp người cần cầm giữ tài sản đảm bảo là người khác, không phải là khách hàng. Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý không quy định các biện pháp hỗ trợ trong kê biên tài sản đảm bảo của bên thi hành án dân sự, hoàn trả vật chứng trong các vụ án hình sự và vụ việc hành chính tại Điều 186 và Điều 188 dự thảo Luật vì chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu rõ, việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng một mặt việc trao quyền bình đẳng, quyền định đoạt đối với tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng xử lý tài sản đảm bảo để thực hiện một giai đoạn cụ thể, giải quyết một tình thế cấp bách. Mặt khác, quá trình thực hiện, thực thi các quy định thí điểm khác với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, lúng túng do xung đột pháp luật, xung đột quyền và lợi ích hợp pháp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tài sản đảm bảo. Vì vậy, cần phải rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở nhìn nhận rõ kết quả thực hiện và đánh giá toàn diện để quy định những giải pháp đã chín, đã rõ, đã phù hợp trong thực tiễn thì tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tán thành với ý kiến góp ý của đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ Nghị quyết 42 là nghị quyết đặc thù, đặc biệt, do đó, không luật hóa tất cả các vấn đề của Nghị quyết 42 mà nghiên cứu để luật hóa những nội dung áp dụng trong điều kiện bình thường hoặc những nội dung đặc biệt có thể áp dụng cho giai đoạn bình thường được.

Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, trước đây, việc xử lý tài sản đảm bảo thông qua con đường tố tụng, trong thời gian đặc biệt, áp dụng Nghị quyết 42 được giao cho ngân hàng quyền định đoạt. Đến nay khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực quay trở lại trạng thái bình thường thì việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ theo thủ tục như thế nào?

Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ xử lý đối với những khoản cho vay đúng luật nhưng do rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu này, đối với những khoản do lỗi chủ quan thì phải trừ vào vốn của chủ sở hữu. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không thể ứng xử như nhau đối với hai trường hợp này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình thẩm tra nội dung liên quan đến Nghị quyết 42, Ủy ban Kinh tế cần tham khảo thêm ý kiến của Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an, các chuyên gia pháp luật để làm rõ những nội dung nào quay trở lại trạng thái bình thường để đưa vào luật; nghiên cứu thêm những vấn đề áp dụng có thời kỳ đặc biệt cho đến nay thất có thể tiếp tục thực hiện. Nguyên tắc là quay về hệ thống pháp luật bình thường, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bảo Yến