SỬA ĐỔI LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN: ĐỘT PHÁ LỚN ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ SỐ
Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp phiên toàn thể lần thứ 6, thẩm tra Luật Căn cước
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chính phủ đã thống nhất thông qua 04 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; trong đó, bao gồm cả chính sách về việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước công dân điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam). Vì vậy, để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”.
Cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì phiên họp.
Tuy nhiên, để bảo đảm thuận tiện, minh bạch, đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất trong quản lý, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về điều kiện cấp giấy chứng nhận căn cước; quy định rõ đối tượng được cấp; quy định về việc sử dụng và giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước; quy định về độ tuổi cấp đổi giấy chứng nhận căn cước; đề nghị đưa một số nội dung trong dự thảo Nghị định vào quy định trong Luật, đồng thời rà soát các quy định trong dự thảo Nghị định để bảo đảm phù hợp, khả thi, thuận tiện trong quá trình áp dụng...
Bày tỏ đồng tình với việc thay đổi tên Luật từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho rằng trước đây chúng ta chỉ cấp căn cước cho công dân Việt Nam, bây giờ mở rộng đối tượng cấp cho người gốc Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chí như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát quyền tố cáo của người gốc Việt đang sinh sống ở Việt Nam.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nam Định Nguyễn Hải Dũng.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân đặc biệt ấn tượng với quy định rất tiến bộ là mở rộng đối tượng cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Đại biểu cho biết, qua khảo sát các tỉnh miền Tây, đây là vấn đề rất cấp thiết, tạo điều kiện cho đồng bào và công tác quản lý dân cư, tuy nhiên đại biểu đề nghị cần có tiêu chí quy định cụ thể hơn, như sinh sống trong bao lâu, điều kiện giấy tờ cần thiết...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng bày tỏ thống nhất việc sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để thay đổi phương thức quản lý công dân, giúp Nhà nước quản lý tốt hơn và người dân thuận lợi hơn trong việc thực hiện các dịch vụ công, nhất và việc đổi tên thành Luật Căn cước để mở rộng đối tượng cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng đề xuất cần bổ sung những điều kiện, quy định cụ thể cho những đối tượng là những người gốc Việt Nam được cấp chứng nhận căn cước, và quy định rõ trong Luật.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng.
Giải thích thêm việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, đây là lý do Chính phủ chỉnh lý tên gọi là dự án Luật Căn cước, bởi Luật Căn cước phạm vi bao trùm hơn, bao gồm cả công dân và những người chưa đủ quyền công dân, trong đó có người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định đây là một bước tiến bộ trong bảo vệ quyền con người, thể hiện trách nhiệm của đất nước trong quản lý người dân sinh ra có gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất Việt Nam, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Điều này cũng góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và đưa quốc gia chúng ta lên tầm cao mới, là "điểm cộng" trong gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.