CƠ SỞ GIÁO DỤC Ở CẤP HỌC NÀO ĐƯỢC MIỄN, GIẢM TIỀN THUÊ ĐẤT?

15/05/2023

Tham gia thẩm tra dự án luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng quy định rõ cơ sở giáo dục ở cấp học nào được miễn, giảm tiền thuê đất để thực hiện đồng bộ trong cả nước về chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục.

HỘI THẢO “BẢO ĐẢM TÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT”

Tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên phạm vi cả nước về dự án Luật này. Công tác tổng hợp, tiếp thu thông tin, phản hồi, ý kiến, kiến nghị của nhân dân về dự án luật đang được triển khai tích cực.

Tham gia thẩm tra dự án luật này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đối với đất văn hóa, cần bổ sung vào Điều 6 của dự thảo Luật quy định nguyên tắc “Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường.” (Hiện nội dung này trong dự thảo đang được thể hiện tại khoản 5, Điều 195 về “Đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp”, đề nghị chuyển lên Điều 6). Bổ sung, điều chỉnh một số quy định đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Đối với Điều 3 về Giải thích từ ngữ, tại khoản 33, về Khu vực quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất, đề nghị bổ sung “Khu vực bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” vào danh mục khu vực quản lý nghiêm ngặt mục đích sử dụng đất để phù hợp với Luật Di sản văn hóa và thống nhất với Điều 205 của dự thảo Luật.

Tại Khoản 34, về Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị quy định rõ “Khu vực bảo vệ II của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” (hiện trong khoản này của dự thảo Luật ghi là “khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh”, chưa thống nhất với khái niệm quy định trong Luật Di sản văn hóa và trong các điều, khoản khác của dự thảo Luật này).

Đối với Điều 205 về “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên”, tại khoản 1, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị quy định về khu vực cần quản lý nghiêm ngặt đối với đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, cần quy định thống nhất với giải thích tại Điều 3 nêu trên.

Tại khoản 2, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị bổ sung quy định: việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác chỉ trong trường hợp đặc biệt cần thiết. Cụ thể, khoản này cần chỉnh lý lại thành: “2. Việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên kết hợp với mục đích khác phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định tại Điều 212 của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác chỉ trong trường hợp đặc biệt cần thiết”.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị bổ sung quy định về đất đai xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 17, Điều 120). Đề nghị bổ sung vào khoản 1, Điều 17 của dự thảo Luật nội dung “đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc danh mục Nhà nước cần có chính sách bảo đảm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt nghị quyết 88/2029/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng khoản này cần viết lại là: “1. Có chính sách bảo đảm đất ở; đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.”

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị quy định loại đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại Điều 120 của dự thảo Luật. Đề nghị bổ sung một khoản mới (sau khoản 1) của Điều 120 như sau: “2. Đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.”

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đối với đất giáo dục, Điều 153 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện với 10 trường hợp và các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ. Theo quy định của Điều này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất như các cơ sở giáo dục công lập. Cụ thể, các cơ sở giáo dục công lập là các tổ chức sự nghiệp công lập được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 153 về “sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập”.

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập không thuộc đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất, đây là điểm bất cập trong chính sách đất đai, tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử đối với người học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quy định này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng về đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình cơ sở giáo dục, về khuyến khích xã hội hóa nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội; không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng quy định rõ cơ sở giáo dục ở cấp học nào được miễn, giảm tiền thuê đất để thực hiện đồng bộ trong cả nước về chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục.

Ngoài ra, tại điểm đ khoản 2 Điều 75 của dự thảo Luật quy định các dự án, công trình được nhà nước thu hồi đất thuộc lĩnh vực giáo dục gồm: “Cơ sở giáo dục, đào tạo: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông, trường trung học chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, học viện, trường dạy nghề được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động;”.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, quy định này chưa bảo đảm đầy đủ, thống nhất với tên gọi của các cơ sở giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục , Luật Giáo dục đại học , Luật Giáo dục nghề nghiệp . Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng tên gọi trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay.

Minh Hùng