THỂ HIỆN RÕ HƠN CÁC TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH GIÁM SÁT TRONG VIỆC XÂY DỰNG BẢNG GIÁ ĐẤT

15/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xem xét tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Nhiều ý kiến cho biết, việc xây dựng bảng giá đất rất công phu và mất nhiều thời gian để thu thập thông tin, đánh giá, do đó cần cân nhắc về thời gian áp dụng bảng giá đất. Đồng thời cần thể hiện rõ các tiêu chí, quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất.

MINH BẠCH HÓA QUÁ TRÌNH THU HỒI ĐẤT NHẰM ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA NGƯỜI DÂN

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua đã có 1.035.394 lượt ý kiến về vấn đề tài chính đất đai, giá đất; trong đó có nhiều ý kiến quan tâm tới quy định liên quan đến bảng giá đất. Theo đó, có ý kiến đề nghị ban hành bảng giá hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường; có ý kiến quy định bảng giá đất ban hành hàng năm là khó thực hiện, đề nghị ban hành 2 năm 1 lần hoặc 5 năm 2 lần.

Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 05 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định: “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Để bảo đảm quy định này có tính khả thi, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật; đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, dự thảo Luật theo Tờ trình của Chính phủ đã bỏ quy định về khung giá đất và quy định về bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 hằng năm (khoản 1); dự thảo Luật cũng đã quy định về nội dung chuyển tiếp tại khoản 2 Điều 241. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định ban hành bảng giá đất hằng năm sẽ làm tăng chi phí, thủ tục, thời gian và nhân lực khi không có biến động về giá đất, bởi không phải tất cả các loại đất, khu vực nào cũng có biến động về giá, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao sẽ không được điều chỉnh kịp thời. Cũng có ý kiến đề nghị sau ngày 01/01/2026 (Bảng giá đất được áp dụng theo quy định của Luật này) xây dựng bảng giá đất ban đầu, hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất hằng năm có ưu điểm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường, tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần. Do đó, nếu có sự thay đổi về kỳ xây dựng bảng giá đất, cần đánh giá khả năng thực tế địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không, vì việc thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt cần thời gian thực hiện, có thể gây lúng túng trong việc áp dụng giá đất theo bảng giá của địa phương do không xây dựng kịp bảng giá đất.

Bên cạnh đó, kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật tiếp tục quy định Ủy ban nhân dân cấp quyết định ban hành bảng giá đất định kỳ hằng năm sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua (khoản 1 Điều 155). Tuy nhiên, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra. Do đó. đề nghị nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các vi phạm.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu thực tế hiện nay, việc xây dựng bảng giá đất tại địa phương rất công phu và mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, đánh giá và lên phương án. Chủ nhiệm Lê Quang Huy đặt vấn đề, nếu quy định như trong dự thảo luật thì có khả thi và thực thi được không và có phát sinh nhiều thủ tục cũng như gây phức tạp trong thực tiễn hay không? Do đó, đề nghị cân nhắc có nên áp dụng trong thời gian dài hơn hay không. Bên cạnh đó, đối với bảng giá đất, Nghị quyết số 18-NQ/TW cũng yêu cầu phải tăng cường giám sát, cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát. Do đó, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho rằng cần phải thể hiện rõ hơn các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Tham gia thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần làm rõ nội dung của quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ hàng năm sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua” thì việc thông qua của Hội đồng nhân dân dưới hình thức nào, thông qua nội dung gì, nếu Hội đồng nhân dân đã ban hành Nghị quyết thông qua bảng giá đất thì Ủy ban nhân dân quyết định ban hành bảng giá đất có khác với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân không. Có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi và hiệu quả của việc quy định “xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất” tại khoản 2 Điều 155 dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định “bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm” là chưa thực sự phù hợp, làm tăng chi phí và thủ tục khi không có biến động về giá đất, đồng thời đối với những khu vực có giá đất tăng cao không được điều chỉnh kịp thời. Do đó, đề nghị không nên quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ mà chỉ nên quy định điều chỉnh khi giá đất có biến động về chỉ số CPI từ 10% trở lên.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định giá đến từng thửa đất và áp dụng hành chính theo từng năm thì tính khả thi, hợp lý không cao, đề nghị cân nhắc có quy định đáp ứng được sự thay đổi của thị trường. Đồng thời, quan tâm một số vấn đề liên quan như: giá đất của các khu vực giáp ranh; chu kỳ bảng giá đất; vai trò của của Hội đồng nhân dân về bảng giá đất. Điểm l khoản 1 quy định “các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ”, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là nội dung lớn, quy định như dự thảo còn chung chung, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng: các trường hợp theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

Ngoài ra, để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới bảo đảm được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, bảo đảm giá đất phù hợp với thị trường và hạn chế việc chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích.../.

Minh Thành