QUY HOẠCH ĐIỆN VIII: ƯU TIÊN TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ GIẢI PHÁP, TRÁNH PHẢI NHẬP KHẨU RÒNG NĂNG LƯỢNG
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Việc thực hiện Quy hoạch điện VIII cần nhiều giải pháp đồng bộ (ảnh minh họa: Internet).
Một trong những mục tiêu chính của Quy hoạch điện VIII là chú trọng phát triển điện lực nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển đồng bộ các phân ngành điện lực đạt trình độ tiên tiến của khu vực. Xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Tập trung phát triển công nghiệp chế tạo và dịch vụ phục vụ ngành điện nhằm tăng cường nội lực, giảm giá thành; nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, để thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhu cầu nguồn vốn và cơ chế, chính sách sử dụng các nguồn vốn đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cần thêm sự huy động, tạo điều kiện thu hút thêm kinh phí, sự đầu tư từ khối kinh tế, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương- Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam-Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương- Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam-Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định, Quy hoạch điện VIII đã thể hiện được tính khách quan, khoa học trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là cung cấp điện ổn định, có chất lượng cao với giá cả phù hợp để phát triển kinh tế Việt Nam trong lộ trình xanh hóa hệ thống điện Việt Nam đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII đã bám sát xu thế phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải phân phối và tiêu thụ điện năng, góp phần thực thi cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu.
Theo Quy hoạch điện VIII, vốn đầu tư phát triển nguồn điện giai đoạn 2021-2030 ước tính gần 120 tỷ USD, trung bình là 12 tỷ USD/năm. Do vậy, cần thiết phải chi tiết, cụ thể hóa các hạng mục cần đầu tư trong giai đoạn 2023- 2030 theo lộ trình quy hoạch để nghiên cứu ứng dụng và phát triển các công nghệ sạch trong khu vực nhiệt điện; Ưu tiên các giải pháp khoa học công nghệ theo mức độ đầu tư và kết quả đầu tư như hiệu quả kinh tế, lợi ích môi trường, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính). Bên cạnh đó là tập trung thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng trong các nhà máy, trung tâm nhiệt điện đến năm 20230; Hoàn thiện công nghệ phát điện hiệu suất cao từ rác thải...
Theo PGS.TS Phạm Hoàng Lương, các nguồn vốn đầu tư để thực hiện có thể từ nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước bao gồm: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm nhà nước; ngân sách của các hoạt động nghiên cứu và phát triển từ các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất điện của Nhà nước, các tổ chức và đối tác quốc tế. Ngoài ra, cần có cơ chế, giải pháp đặc thù để thu hút các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân thông qua các công cụ tài chính xanh như tín chỉ xanh, trái phiếu xanh...
Ông Nguyễn Ngọc Trung- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Trung- Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, cần chú ý đến kêu gọi thêm khu vực kinh tế, doanh nghiệp tư nhân tham gia bằng cách tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.
Kinh phí để thực hiện Quy hoạch phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, hạng mục đầu tư, tránh dàn trải, không hiệu quả. Để triển khai được nhiệm vụ này, việc thực hiện Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với Quy hoạch Quốc gia, quy hoạch tỉnh, ngành và đảm bảo kinh tế môi trường. Quy hoạch nên tập trung vào các giải pháp, những vấn đề lớn trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII cần nhấn mạnh đến cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch một cách rõ ràng cũng như tăng cường tính độc lập, tự chủ của ngành Điện cũng như xem xét bổ sung về cường độ điện năng...
TS.Trần Du Lịch - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đưa ra quan điểm về nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch điện VIII, TS.Trần Du Lịch - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong nhu cầu khoảng 120 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 để đầu tư nguồn điện, cần đặt mục tiêu và chính sách chủ yếu thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là đầu tư vào năng lượng tái tạo, sinh khối.
TS.Trần Du Lịch nêu quan điểm: Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư lưới điện truyền tải, thủy điện tích năng, pin lưu trữ cùng một số dự án khác đang thực hiện dở dang. Vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là mở đường, dẫn dắt, hỗ trợ để thu hút đầu tư tư nhân; hạn chế việc đầu tư nguồn điện, mà có thể thu hút đầu tư tư nhân./.