CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN DÂN TỘC VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC
Quang cảnh phiên họp
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Ủy viên Thường trực, thành viên Hội đồng Dân tộc, đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng Dân tộc tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra: “Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp.
Nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, các chính sách dân tộc cùng với các Chương trình MTQG được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bao quát trên các lĩnh vực. Đặc biệt, CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần, với việc tổ chức triển khai thực hiện tích cực của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu đã khắc phục được tình trạng tản mạn, dàn trải chính sách và nhiều đầu mối quản lý chính sách của các giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, vùng DTTS&MN vẫn đang có nhiều vấn đề đặt ra, như: Đời sống của đồng bào DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Hệ thống chính sách bước đầu đã được xây dựng, tích hợp, nhưng vẫn tản mạn, chưa khắc phục triệt để tính chồng chéo, trùng lắp nội dung, cơ chế thực thi và tính đột phá thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt vẫn đang là vấn đề lớn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng ở một số địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa bài bản. An ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…
Để làm rõ tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua, theo Chương trình của Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã có Báo cáo về vấn đề này để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tại Kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị các đại biểu tập trung, bám sát gợi ý thảo luận của Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, chuẩn bị kỹ nội dung, đi đúng trọng tâm, trọng điểm các vấn đề trong Báo cáo của Chính phủ và dự thảo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc để đề xuất, kiến nghị.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2022.
Sau khi nghe Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo và Thường trực Hội đồng Dân tộc trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận về nội dung Báo cáo của Chính phủ để cho ý kiến và thống nhất các nội dung thẩm tra, nhất là các vấn đề trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn I; kết quả thực hiện chương trình, chính sách dân tộc theo các lĩnh vực do các Bộ, ngành quản lý chỉ đạo; và kết quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Phiên họp này.