PGS.TS DƯƠNG ĐĂNG HUỆ: KIẾN NGHỊ 03 VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI HOÀN THIỆN CHẾ ĐỊNH QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

18/05/2023

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 22/5) tới đây. Góp ý vào dự thảo Luật, PGS.TS Dương Đăng Huệ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp kiến nghị 03 vấn đề cần lưu ý khi hoàn thiện chế định quyền sử dụng đất.

THÔNG BÁO TRIỆU TẬP KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Căn cứ vào 5 quan điểm, mục tiêu tổng quát và 2 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 chính sách lớn về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất của Nghị quyết số 18-NQ/TW, bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được xây dựng và thực hiện lấy ý kiến Nhân dân theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTWQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, ý kiến góp ý của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ngày 06/07/4/2023), Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan có liên quan hoàn thiện Báo cáo Tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân, Báo cáo đánh giá tác động bổ sung đối với những nội dung mới và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 Chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Quan tâm tới vấn đề quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS Dương Đăng Huệ cho biết, sự ra đời của quyền sử dụng đất trong hệ thống pháp luật Việt Nam không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà là tất yếu khách quan. Quyền sử dụng đất là một sáng tạo pháp lý nhằm thực hiện chế độ sử hữu toàn dân về đất đai ở nước ta, là một công cụ pháp lý giúp Nhà nước thực hiện được chức năng đại diện chủ sở hữu, đồng thời cũng là phương tiện pháp lý để ghi nhận và bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả các quyền của người trực tiếp sử dụng đất.

 PGS.TS Dương Đăng Huệ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp

Để hoàn thiện chế định quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS.TS Dương Đăng Huệ lưu ý một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, toàn bộ đất đai ở Việt Nam thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nhưng khi đã giao đất cho người sử dụng thì người đó có một quyền dân sự đặc biệt đối với đất được giao, đó là quyền sử dụng đất. Tuy phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai nhưng sau khi ra đời thì quyền sử dụng đất tồn tại độc lập, có chủ thể, khách thể và nội dung được xác định, do đó cần phải được pháp luật quy định cụ thể và đầy đủ thì quyền này mới có thể thực thi được trong cuộc sống.

Hai là, mặc dù phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai nhưng với tư cách là một loại vật quyền hạn chế, quyền sử dụng đất phải được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ một cách kịp thời, bằng mọi phương tiện và công cụ hiện có.

Ba là, quyền sử dụng đất là một loại vật quyền (tức là quyền đối với vật, quyền thực hiện trên vật), do đó đối tượng của quyền sử dụng đất luôn là một thửa đất nhất định, cụ thể. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải sử dụng các thuật ngữ liên quan đến đất đai và quyền sử dụng đất một cách phù hợp. Nghiên cứu dự thảo Luật, đặc biệt là Điều 3 (giải thích từ ngữ) cho thấy đã có sự nhầm lẫn nhất định trong việc định nghĩa một số các khái niệm, phạm trù liên đến quyền sử dụng đất, cụ thể:

Về định nghĩa các khái niệm: Trong một văn bản quy phạm pháp luật, việc định nghĩa các khái niệm được dùng trong văn bản đó là rất quan trọng vì nó bảo đảm khái niệm được hiểu một cách thống  nhất và đúng đắn. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được đáp ứng một cách đầy đủ trong Dự thảo Luật. Chẳng hạn, tại khoản 6 Điều 3 Dự thảo Luật định nghĩa: “Bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất (sau đây gọi là bồi thường về đất) là việc Nhà nước bồi hoàn cho người sử dụng đất bằng tiền hoặc bằng đất hoặc bằng lợi ích vật chất khác tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi theo quy định của Luật này”. Rõ ràng, ở đây đã có sự đồng nhất khái niệm “đất” và “quyền sử dụng đất”. Như trên đã phân tích, quyền sử dụng đất là vật quyền, đối tượng của quyền sử dụng đất là vật (một thửa đất cụ thể), do đó bồi thường là bồi thường về vật (đất), chứ không phải là bồi thường về quyền sử dụng đất.

Tương tự, khoản 40 Điều 3 quy định: “Nhà nước cho thuê quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước cho thuê đất)...”; khoản 43 Điều 3 cũng ghi nhận: “Nhà nước giao quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Nhà nước giao đất)...”. Các định nghĩa này khiên cưỡng và không chính xác vì đã đồng nhất đất với quyền sử dụng đất, trong khi đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Về sử dụng các thuật ngữ: Việc sử dụng các cụm từ, thuật ngữ trong Dự thảo Luật cũng không được nhất quán. Ví dụ: “định giá đất” và “định giá quyền sử dụng đất”; “giá đất” và “giá quyền sử dụng đất”; “chuyển nhượng đất” và “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “thu hồi đất” và “thu hồi quyền sử dụng đất”... Các thuật ngữ này cần được sử dụng một cách nhất quán và chính xác, theo hướng phải sử dụng “giá đất” chứ không phải “giá quyền sử dụng đất”; “định giá đất” chứ không phải “định giá quyền sử dụng đất”; “chuyển nhượng đất” chứ không phải “chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “thu hồi đất” chứ không phải “thu hồi quyền sử dụng đất”... Cơ sở của đề xuất này là bởi về bản chất, quyền sử dụng đất là một loại vật quyền (quyền đối vật) nên mọi hành vi của con người đều tác động trực tiếp lên vật (đất) mà không phải trực tiếp lên quyền (quyền sử dụng đất)./.

Lê Anh