TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã bám sát đường lối của Đảng, được tiến hành đúng quy định của pháp luật, tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các mặt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức phiên giải trình, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bên cạnh đó, các Đoàn ĐBQH, các đại biểu Quốc hội đã chú trọng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương; triển khai giám sát có hiệu quả các chuyên đề được Quốc hội, UBTVQH giao; tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quang cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, hoạt động này còn một số tồn tại, vướng mắc như: có một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; một số hoạt động đã được quy định nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả; một số hoạt động giám sát chưa có hướng dẫn chi tiết dẫn tới còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; chương trình giám sát hàng năm có nội dung chưa gắn với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; việc dành thời gian xem xét các báo cáo tại kỳ họp Quốc hội còn hạn chế, nhất là các báo cáo về ngân sách.
Cùng với đó, một số chuyên đề giám sát vừa có phạm vi rộng vừa có tính chuyên sâu, trong khi thời gian và nguồn lực thực hiện của các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế. Một số nghị quyết còn chưa rõ nội dung, thời gian khắc phục, khó triển khai, giám sát việc thực hiện, chưa bảo đảm yêu cầu giám sát đến cùng.
Rút ra kinh nghiệm từ hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát, thông qua những định hướng đúng đắn để hoạt động này thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất trong thực tế. Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về chức năng giám sát Quốc hội; giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Thêm vào đó, cần bảo đảm tính độc lập, khách quan trong hoạt động giám sát, tăng cường sự phối hợp trong hoạt động giám sát giữa các cơ quan, tổ chức liên quan và phối hợp giữa chủ thể giám sát với đối tượng chịu sự giám sát. Cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát, nâng cao chất lượng, nội dung, yêu cầu tại các kiến nghị sau giám sát, tăng cường hậu giám sát và giữ nguyên tắc đi đến cùng vấn đề giám sát.
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng trước tiên phải đổi mới nhận thức đối với hoạt động giám sát của Quốc hội. Cụ thể, cần xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị. Ban Bí thư, bám sát tình hình thực tế của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri; cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Đồng thời, cần nhận thức rõ vị trí, vai trò của hoạt động giám sát của Quốc hội là một trong các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước; vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, vai trò, trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát... Nâng cao nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập.
Các đại biểu tại Hội nghị
Một trong những công tác quan trọng cần thực hiện là cần gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả của hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả của các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền để các chủ thể giám sát cũng như đối tượng chịu sự giám sát nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần kịp thời thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này như: Sửa đổi một số quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành kèm theo Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14); nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cho phù hợp; rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư.
Ngoài ra, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai các hoạt động giám sát, tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Sáng mai 20/5, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày tham luận “Một số nội dung về chính sách xã hội trong giai đoạn mới.”
Một số hình ảnh hội nghị:
Quang cảnh Hội nghị
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động giám sát, thông qua những định hướng đúng đắn để hoạt động này thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến thực chất trong thực tế
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần kịp thời thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giám sát
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết 761 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội.