TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, BẢO ĐẢM VIỆC LÀM, PHÚC LỢI CHO NGƯỜI DÂN

20/05/2023

Sáng 20/5, tại Hà Nội, tiếp tục Chương trình Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho Đại biểu Quốc hội do Ban Công tác đại biểu tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đã giới thiệu chuyên đề “Một số nội dung về chính sách xã hội trong giai đoạn mới”.

ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong thời gian qua, các quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách xã hội luôn được coi trọng, được bố trí nguồn lực thực hiện, được thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo khung khổ pháp lý quan trọng và ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần định ra các nguyên tắc quản lý xã hội, giúp cho các quan hệ xã hội phát triển hài hòa và ổn định, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ngày càng được bảo đảm hơn.

Việc thực hiện chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả thiết thực và quan trọng trong nhiều mặt như: lao động, việc làm; y tế, dân số; an sinh xã hội, giảm nghèo và ưu đãi người có công với cách mạng; bình đẳng giới, gia đình; phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.

Toàn cảnh hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, hệ thống pháp luật về chính sách xã hội cũng còn một số hạn chế, cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời một số văn bản mới của Đảng. Pháp luật về an sinh xã hội tuy bước đầu mở rộng phạm vi bao phủ, nhưng mức trợ cấp còn thấp, chưa theo kịp nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội ngày càng đa dạng phong phú và tăng nhanh đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, pháp luật về y tế, chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân dân, bảo hiểm, việc làm chưa được hoàn thiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19. Kết quả giảm nghèo còn chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền; hộ nghèo mới phát sinh còn cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm về cả ngành nghề, địa bàn, chưa tương xứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới còn hình thức, chưa có số liệu phân tách giới, chưa đánh giá tác động giới, nguyên tắc bình đẳng giới chưa được cụ thể hóa trng các quy định của dự thảo luật, pháp lệnh.

Cùng với đó, việc thực hiện mục tiêu bình đăng giới ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn; lực lượng lao động nữ chỉ tập trung nhiều ở khu vực phi chính thức và những công việc trả lương thấp, thu nhập bình quân của phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới. Công tác xã định tình trạng người nghiện ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, người sau cai nghiện còn nhiều bất cập, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn khó khăn, chưa thực hiện có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh 

Đối với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV về chính sách xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, pháp luật về chính sách xã hội, nhất là an sinh xã hội cần tiếp tục được hoàn thiện với trọng tâm là pháp luật việc làm và bảo hiểm xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm độ bao phủ, điều chỉnh những yếu tố mới phát sinh sau đại dịch COVID-19. Pháp luật về y tế tiếp tục được hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân; nâng cao chất lượng dân số.

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm, góp phần phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; tăng cường kết nối cung - cầu lao động; tạo chuyển biến nhanh và rõ nét trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN; hoàn thiện các quy định về động hưởng bảo hiểm xã hội, bảo đảm các nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ bảo hiểm xã hội; có giải pháp ngăn chặn tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Các đại biểu tại Hội nghị

Thêm vào đó, cần nghiên cứu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, tránh các hành vi lợi dụng vi phạm pháp luật; đồng thời, giúp khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, bảo đảm tính hợp pháp, công khai, minh bạch và giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân, bảo hiểm y tế, phòng bệnh, trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách an toàn, thuận lợi của tất cả người dân, phù hợp với tình hình mới; có chính sách ưu tiên cho Nhân dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phòng ngừa và ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh có quy mô, phạm vi tác động, ảnh hưởng lớn, tăng cường công tác y tế dự phòng; nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp dược.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung chính sách đối với hoạt động chữ thập đỏ để tiếp tục nâng cao vai trò nòng cốt, cầu nối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo, để các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành ngày càng có hiệu quả, góp phần thực hiện các chính sách xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, động viên các tầng lớp Nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế chăm lo cho người nghèo, Nhân dân các vùng bị thiên tai, thảm họa, nạn nhân chiến tranh và những người gặp khó khăn khác trong xã hội.

Một số hình ảnh hội nghị: 

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội nghị

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm, góp phần phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động theo hướng hiện đại, đồng bộ, thống nhất, linh hoạt

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nêu rõ, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân

Nội dung về tận dụng lợi thế dân số vàng, nâng cao chất lượng nguồn lao động nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu Quốc hội

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết 761 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội./.

Minh Hùng - Phạm Thắng