ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 15: THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, trong đó, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 04 điều; có 07 phụ lục (bổ sung 02 phụ lục mới). Trong đó, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh; về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về các hành vi bị nghiêm cấm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND;… Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội sẽ được xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nhất trí sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, phát huy hiệu quả của công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Theo PGS. TS Đinh Xuân Thảo, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, việc sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là vô cùng cần thiết. Bên cạnh việc kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng, sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 còn kịp thời thể chế các quy định mới trong các luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Tiếp cận dự thảo Nghị quyết, TS. Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ nhất trí với những nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, theo hướng quán triệt đầy đủ những quan điểm của Đảng tại Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
TS. Nguyễn Mai Bộ cũng đánh giá cao việc dự thảo Nghị quyết lần này đã bổ sung nội dung: “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân được biết”.
Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cơ bản đã bám sát các quy định của Quyết định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Nghị quyết cũng đã có sự kế thừa cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 85/2014QH13, các sửa đổi, bổ sung trong một số điều cơ bản là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong tình hình mới.
Dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, dựa trên kết quả dự thảo báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dự thảo Nghị quyết./.