TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

03/06/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cho ý kiến về dự án luật này, nhiều đại biểu kỳ vọng các sửa đổi, bổ sung sẽ khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trước đó, nội dung này đã được xem xét, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng được các Đoàn đại biểu Quốc hội nhiều địa phương cho ý kiến tại các hội nghị. 

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi luật và hồ sơ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật với những lý do như trong Tờ trình Chính phủ, nhất là yêu cầu thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập qua thực tiễn thi hành Luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, xây dựng công phu, đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh về việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu, đại biểu cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là phù hợp với Nghị quyết 63 của Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 3. Về đối tượng áp dụng, dự thảo luật bổ sung thêm tổ chức nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua bán, xử lý nợ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc bổ sung đối tượng này là phù hợp.

Về việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, dự án luật này có liên quan đến nhiều đạo luật khác như Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp phá sản, Luật chứng khoán, Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, đề nghị cần cân nhắc xem xét một số nội dung dự thảo Luật; rà soát để đảm bảo tính đường bộ, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ, điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật phá sản, Luật phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động các tổ chức tín dụng trên thực tế, đồng thời tiếp tục thể chế hoá các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu và tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, đây là lần đầu dự trình ra Quốc hội nhưng đã đầy đủ các dự thảo, nghị định, thông tư, do đó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội đánh giá cao vấn đề này.

Tuy nhiên Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho rằng, báo cáo đánh giá tác động các chính sách còn chung chung, định tính trong khi có nhiều chính sách có thể phát sinh nguồn lực tương đối lớn như dịch vụ ngân hàng, các phương tiện điện tử và số hoá dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số, các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, các chính sách tác động đến lĩnh vực xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Bên cạnh đó một số chính sách được đánh giá tác động nhưng chưa được cụ thể hoá trong dự thảo Luật. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp túc đánh giá, nghiên cứu các chính sách sâu sắc hơn và đưa ra số liệu, bằng chứng khoa học để tăng tính thuyết phục cho các đề xuất chính sách, làm cơ sở dự kiến nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật.

Liên quan đến trách nhiệm của Uỷ ban Xã hội về việc lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo cơ bản tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục vấn đề lồng ghép bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng dự án luật có báo cáo về lồng ghép bình đẳng giới. Trong đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội cho rằng, nhận định dự án Luật không làm phát sinh bất bình đẳng giới, bảo đảm quyền của nữ giới nhưng chưa có sự đánh giá, phân tích tác động chính sách. Bên cạnh đó, hồ sơ dự án Luật chưa có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nhận thấy đây là dự án Luật có các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị cần xem xét vấn đề lồng ghép giới trong dự án Luật. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung các quy định cụ thể. 

Theo đó, đề nghị rà soát toàn bộ quy định của dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định tại Điều 12 của Luật Bình đẳng giới về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về bảo vệ quyền lợi của khách hàng, cung cấp thông tin trong trường hợp tiền gửi tại tổ chức tín dụng là tài sản thuộc sở hữu chung của nhiều người, đặc biệt là của vợ, chồng, các thành viên trong gia đình.

Nêu quan điểm tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, đồng thời hy vọng dự án luật sẽ tương thích với các điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Hồ sơ chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên dự thảo luật cần đảm bảo tính khả thi, đồng bộ với pháp luật hiện hành và các luật đang được sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Giao dịch điện tử, Luật Hợp tác xã, Luật Giá... để giúp phát triển thị trường ngân hàng lành mạnh, minh bạch, hiệu quả. 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng, như việc lợi dụng người đứng tên để chi phối quyền sở hữu, lách quy định để phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân... Cần nghiên cứu thể chế thêm một số quy định đối với các công ty tài chính trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân, để giảm tình trạng mất an ninh trật tự trong lĩnh vực này. 

Hội nghị cho ý kiến về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Trong thời gian qua, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng tổ chức nhiều hội nghị cho ý kiến về dự án luật này. Tại Hội nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, các đại biểu cho ý kiến vào Dự án Luật, gồm: Đề nghị bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 4 quy định khái niệm của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; tại Khoản 3, Điều 29 cần quy định rõ tỷ lệ thay đổi vốn điều lệ đối với quỹ tín dụng nhân dân là bao nhiêu thì cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận; tại Khoản 1 Điều 34 bổ sung thêm thành viên ban kiểm soát của Ngân hàng hợp tác xã; tại Khoản 6, Điều 50 bổ sung thêm “Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể tiêu chuẩn điều kiện đối với người quản lý, người điều hành, thành viên ban kiểm soát của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô”; tại cuối điểm m Khoản 1, Điều 77, đề nghị bổ sung cụm từ “Bồi thường tổn thất do nguyên nhân chủ quan”; tại Khoản 4 Điều 81 đề nghị bổ sung thêm “Tổng giám đốc (giám đốc)…

Tại hội nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các quy định về tổ chức quản trị, điều hành của TCTD; quy định về hoạt động ngân hàng điện tử và các quy định bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD; quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém; quy định quản lý, đóng, mở các tài khoản ngân hàng… Trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm nhất là xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vấn đề quyền và trách nhiệm của người vay phải được quy định rõ ràng, chính xác trong Luật Các TCTD (sửa đổi); trong đó, phải chi tiết trách nhiệm của người vay để tránh việc né tránh trách nhiệm và dễ xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng... Ngoài ra, một số vấn đề liên quan hoạt động dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm tài chính... cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội nghị. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, vấn đề giáo dục tài chính, cảnh báo rủi ro đang được Ngân hàng chấn chỉnh, khắc phục./.

Minh Hùng