ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ GIỮA LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN VỚI LUẬT NHÀ Ở, LUẬT ĐẤT ĐAI

23/06/2023

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa với luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với các luật có quan hệ chặt chẽ như luật Nhà ở (sửa đổi), luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ các nội dung trong cùng một luật, cũng như các luật có liên quan, trong đó có các dự án luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua, có tác động và quan hệ chặt chẽ với luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu

Cụ thể, về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, khoản 3 Điều 14 của dự thảo Luật quy định: “Thời hạn sở hữu, sử dụng của nhà ở được bán, cho thuê mua xác định theo quy định của pháp luật về nhà ở. Thời hạn sở hữu, sử dụng công trình xây dựng, phần diện tích trong nhà chung cư và tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dựng; bao gồm công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú được xác định theo thời hạn sử dụng đất gắn liền với công trình xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo phù hợp về thời hạn sử dụng công trình với niên hạn công trình, không vượt quá thời hạn sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai, cần sửa đổi quy định tại khoản này thành, thời hạn sở hữu, sử dụng công trình xây dựng, phần diện tích trong nhà chung cư và tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dựng; bao gồm công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, lưu trú được xác định theo niên hạn sử dụng của nhà ở, công trình xây dựng, nhưng không vượt quá thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp hết thời hạn sử dụng đất, nhưng nhà ở, công trình xây dựng vẫn còn giá trị sử dụng thì nhà nước nên xem xét gia hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cùng quan tâm đến việc đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, cần có điều chỉnh để đảm bảo nhất quán trong xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nhà ở, đất đai, bất động sản.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội phát biểu

Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung Chương VIII về xây dựng, quản lý hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu cho rằng cần lấy hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai làm gốc, làm cơ sở để thiết kế, vận hành hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

Đại biểu đề nghị rà soát cả 3 dự án luật để có các quy định về nguyên tắc, cơ chế phối hợp giữa ngành Tài nguyên Môi trường và ngành Xây dựng trong thiết kế, xây dựng, vận hành 02 hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, từ khâu điều tra cơ bản, đánh giá cho đến khai thác, sử dụng công khai để đảm bảo tính liên thông thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí, nhân lực.

Trước đó, tại các phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thương mại, Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Các đại biểu cũng đề nghị các hoạt động đầu tư sản xuất, đầu tư kinh doanh, mua bán các loại nhà ở phải điều chỉnh theo Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở chỉ điều chỉnh những chế định đối với nhà ở như vấn đề về sở hữu, chính sách phát triển nhà ở trong một số trường hợp đặc thù

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thống nhất về khái niệm và theo nguyên tắc những quy định về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản thì quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản; các Luật khác có liên quan không nhắc lại các quy định đó mà quy định dẫn chiếu theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, về nhà ở xã hội, khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời tại một số điều khoản cụ thể  của dự thảo Luật quy định rõ trường hợp không áp dụng đối với nhà ở xã hội; các nội dung khác của dự thảo Luật không có quy định loại trừ đối với nhà ở xã hội như: hợp đồng mua bán, thuê mua, thuê, thanh toán hợp đồng, bàn giao nhà, quyền và nghĩa vụ của các bên, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… đối với nhà ở xã hội vẫn thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong khi đó, tại Chương VI dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đang quy định về chính sách về nhà ở xã hội bao gồm các quy định về nguyên tắc, điều kiện, xác định giá bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội là hoạt động kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, tuy nhiên hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội còn được hưởng chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội và cho khách hàng là bên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Do vậy, đề nghị rà soát quy định rõ những nội dung liên quan đến việc kinh doanh nhà ở xã hội phải quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và sửa đổi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng quy định dẫn chiếu những nội dung này theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư để bảo đảm đồng bộ, thống nhất về chính sách với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) .

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bổ sung trường hợp cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê đối với đất được Nhà nước cho thuê. Điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 11 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có quy định về hình thức này, kế thừa Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và phù hợp với Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải thực hiện trên đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, không còn quy định cho phép đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê trên đất được Nhà nước cho thuê như Luật hiện hành.

Minh Hùng