CHÍNH SÁCH NÀO ĐỂ TỔ CHỨC KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ HOẠT ĐỘNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ?

24/06/2023

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, một số đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời làm rõ vấn đề trạng xử lý và giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành

Tại phiên chất vấn, Bộ Khoa học, Công nghệ đã gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội. Theo đó, Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển KH&CN của Chiến lược là cơ sở quan trọng để Bộ Khoa học, Công nghệ (KH&CN) và các bộ, ngành, địa phương ban hành các chiến lược ngành, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và chương trình hành động, lồng ghép các nội dung phát triển KH&CN vào kế hoạch phát triển KT-XH phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Sau 10 năm thực hiện, Chiến lược đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã bám sát triển khai các định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH&CN đề ra trong Chiến lược và đã đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào phát triển KT-XH, nâng cao năng lực KH&CN của đất nước. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển KT-XH của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng....

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ cho biết vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống quy định pháp luật nói chung còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH&CN. Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa (không) chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến.

Còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH&CN; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh như vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); về định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; về góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được ban hành, hoặc chưa được ban hành, chưa phản ánh đặc thù hoạt động KH&CN, như chưa có văn bản hướng dẫn quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng NSNN; chậm ban hành một số thông tư quản lý tài chính thực hiện chương trình KH&CN cấp quốc gia;…Hệ thống văn bản pháp luật về phân bổ, sử dụng NSNN cho nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp, cồng kềnh và liên tục được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nên các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan (nhất là ở địa phương và doanh nghiệp) gặp nhiều khó khăn trong việc quán triệt, áp dụng.

Chính sách gì để tổ chức khoa học, công nghệ hoạt động hiệu lực, hiệu quả?

Quan tâm đến lĩnh vực này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu rõ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập là cấu phần quan trọng của tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều duy trì và phát triển hệ thống các tổ chức khoa học, công nghệ công lập bởi trình độ phát triển của hệ thống tổ chức này phản ánh trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước đã có những giải pháp, chính sách gì để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, đảm bảo vai trò đi đầu, đủ khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, dẫn dắt nền sản xuất trong nước?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Đưa ra vấn đề chất vấn, đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chỉ ra thực tế, mấy năm nay người dân và doanh nghiệp rất bức xúc, than phiền về tình trạng xử lý và giải quyết đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tồn đọng, rất chậm trễ và kéo dài, đặc biệt là đối với đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cũng như kiểu dáng công nghiệp. Theo thông tin mà đại biểu được biết, đến hiện nay số đơn tồn đọng đã lên đến hàng chục nghìn và kéo dài từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, thậm chí sẽ dẫn đến tranh chấp về thương mại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong việc này và giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Bên cạnh đó, đại biểu đặt vấn đề, khi ban hành Luật Khoa học và công nghệ thì một trong những quy định mới thời điểm đó là đổi mới về tài chính khoa học và công nghệ nhằm huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ. Nhưng một số quy định vẫn chưa được ban hành, như việc trích lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, chưa ban hành được quy định quản lý và sử dụng tài trợ để hoạt động khoa học, công nghệ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này và trách nhiệm của Bộ cũng như các cơ quan có liên quan?

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai 

Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, đại biểu có quan tâm về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 60 năm 2021. Nghị định này quy định về tự chủ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp nhà nước. Đây cũng là một nghị định tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp có điều kiện để phát huy được tự chủ của mình để thực hiện các nhiệm vụ được giao tốt nhất.

Tuy nhiên, đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam chúng ta có rất là nhiều loại hình: của y tế, của giáo dục, của khoa học, công nghệ, mỗi hệ thống có một tính chất khác nhau, cho nên Nghị định 60 không điều chỉnh được những đặc thù của lĩnh vực khoa học công nghệ, chẳng hạn như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển, nghiên cứu triển khai, v.v. Do đó, khi triển khai có rất nhiều vướng mắc. Vừa rồi, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng một nghị định riêng cho tự chủ của các tổ chức khoa học, công nghệ công lập theo hướng toàn diện hơn, tự chủ về tổ chức bộ máy, về nhiệm vụ, về vấn đề tài chính và quản lý tài sản, đó là hướng mà Bộ tháo gỡ cho thấy hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, khoa học, công nghệ công lập.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt 

Đối với vấn đề mà đại biểu Đinh Ngọc Quý quan tâm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng rất trăn trở, đặc biệt là việc tồn đơn hiện nay ở Cục Sở hữu trí tuệ là đơn về nhãn hiệu và đơn về sáng chế, nhất là đơn về nhãn hiệu rất lớn. Điều này có nghĩa là kinh tế - xã hội của chúng ta phát triển. Các doanh nghiệp hiện nay, nhu cầu đăng ký nhãn hiệu và sáng chế của nhà khoa học càng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, khả năng xử lý đơn của Cục thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ rất chậm, trong đó lý do là: số lượng đơn tăng; lĩnh vực này là lĩnh vực mới ở Việt Nam so với các nước có lịch sử lâu đời hàng trăm năm về sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, thực tế, việc đầu tư cho lĩnh vực này còn chậm, nhất là thủ tục, quy trình theo thủ tục quy trình tiếp cận của quốc tế, của các nước; chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số.

Ngoài ra, đối với vấn đề nguồn nhân lực, chúng ta chưa đẩy mạnh việc tuyển dụng và đào tạo thường xuyên cho nên dẫn đến việc hiện nay đơn tồn đọng về 2 lĩnh vực này, nhãn hiệu và sáng chế ngày càng nhiều và hơn 100.000. Điều này cũng đang gây khó cho toàn hệ thống của Bộ Khoa học và Công nghệ về chỉ số cải cách hành chính. Đây cũng là một trăn trở vì trách nhiệm của xã hội, nhưng cũng vì trách nhiệm đối với hệ thống của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng đang đẩy mạnh giải pháp để khắc phục được tồn tại này.

Hồ Hương