NHÌN LẠI KỲ HỌP THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG VÀ THÔNG ĐIỆP ĐƯA QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI VÀO CUỘC SỐNG, GẮN KẾT CHẶT CHẼ GIỮA XÂY DỰNG PHÁP LUẬT VỚI THỰC HIỆN PHÁP LUẬT
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 24/6: QUỐC HỘI BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Với 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trong đó nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã hoàn thành cơ bản toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, nhất là thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn do cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết kỳ họp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết của Quốc hội chỉ rõ, tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội.
Do đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung vào một số vấn đề, trong đó có nội dung: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước... đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp; và tiến hành báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã có bước đột phá về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, đó là “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” - dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu - một nội dung rất mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Kết luận số 14-KL/TW đã mở đường để chủ trương trở thành quy định của pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để khuyến khích và bảo vệ cán bộ.
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trực tiếp trao đổi về góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức được đề ra trong Nghị quyết kỳ họp
Trước những yêu cầu cuộc sống, trước những đòi hỏi bức thiết trong điều hành kinh tế - xã hội, tại Kỳ họp thứ 5 đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận và tranh luận để vừa đưa ra các nguyên nhân vừa đưa ra các giải pháp để nâng cao được trách nhiệm cán bộ, tăng sự chủ động trong điều hành, tránh tình trạng trì trệ, không dám làm.
Nhìn lại diễn biến của kỳ họp, câu chuyện một bộ phận cán bộ còn né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã làm nóng phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại tổ cũng như tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần có "liều thuốc" đặc trị với căn bệnh này.
Phân tích "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, có hai nhóm: Một là, nhóm suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là, nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, đối với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng thì có thể khắc phục được ngay bằng cách thay thế những cán bộ này bằng những cán bộ tốt, những bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Nhưng về lâu dài, ngoài Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng đây là nhóm cán bộ chiếm số đông, trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật vì một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Nguyên nhân thứ hai làm cho cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật là công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngán ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự.
Tranh luận với ý kiến trên, đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng vấn đề đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu là đúng, nhưng “không chỉ như vậy”. Nếu trong thực thi công vụ để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức còn nỗ lực để năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ. Nhưng thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành hoặc pháp luật của Nhà nước.
Đại biểu Trần Hữu Hậu – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.
Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhìn nhận, hiện tượng né tránh trách nhiệm này có từ lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Vấn đề ở chỗ dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn. Về nguyên nhân, theo đại biểu Tô Văn Tám, một bộ phận do năng lực, trình độ hạn chế cho nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế nên làm gì cũng sợ sai, không dám làm. Mà không dám làm như vậy thì né tránh hoặc đùn đẩy. Theo đại biểu, vấn đề đặt là là làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này. Theo Báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 thì có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ có nói rằng việc đánh giá cán bộ chúng ta là chưa thật sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả công việc, đầu ra và mặt khác cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Về giải pháp, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ thì cũng cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền.
Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Tranh luận với 3 ý kiến trên, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Bây giờ bắt thế nào cho đúng bệnh? Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm. Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được.
Để khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, đại biểu Trần Thị Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị, cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn. Để khuyến khích tinh thần dám đương đầu vào khó khăn, dám tạo đột phá, việc đánh giá cán bộ cũng cần được đổi mới, cách đánh giá cần phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng.
“Chúng ta đã có những cảm nhận rất rõ về bầu không khí khẩn trương, quyết liệt và đầy đủ quyết tâm đang lan tỏa từ Thủ tướng Chính phủ đến các lãnh đạo chính quyền các địa phương. Đây là bầu không khí mà Nhân dân và doanh nghiệp đang chờ đợi, cũng như kỳ vọng rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, song điều đáng quan tâm là cần phải có những giải pháp trước mắt và cả lâu dài để cụ thể hóa các quy định này”, đại biểu Trần Thị Khánh Thu nêu kiến nghị.
Các ý kiến trên của đại biểu Quốc hội đều đã được tổng hợp đầy đủ và tiếp thu để thể hiện trong Nghị quyết của Kỳ họp. Có thể thấy, từ chủ trương, chính sách của Đảng tại kỳ họp lần này, lần đầu tiên Quốc hội ghi nhận trong một nghị quyết chính thức của Quốc hội về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm và xử lý tình trạng là đùn đẩy trách nhiệm. Nghị quyết của Quốc hội đã nhận định một cách trực tiếp, trực diện tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự chuyển trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đó, Nghị quyết của Quốc hội đã nhiều giải pháp, trong đó có nhiều giải pháp được các đại biểu Quốc hội nêu và gợi mở trong các phiên thảo luận. Tin tưởng rằng, khi Nghị quyết của Quốc hội được tổ chức triển khai, những vấn đề nổi lên sẽ được giải quyết một cách căn cơ.