PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: ĐỀ NGHỊ BỘ TÀI CHÍNH RÀ SOÁT, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG DẪN CHIẾU QUÁ NHIỀU VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
BỘ TÀI CHÍNH ĐỀ NGHỊ CÁC ĐỊA PHƯƠNG QUYẾT LIỆT GIẢI NGÂN VỐN THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả làm việc của Tổ Công tác với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Đoàn giám sát về bố cục, nội dung, số liệu, phụ lục cơ bản đảm bảo đầy đủ theo đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát, thể hiện được các kết quả thực hiện của Bộ Tài chính theo trách nhiệm được giao. Tổ Công tác đánh giá đây là sự cố gắng, nỗ lực cao của Bộ Tài chính trong việc tập trung triển khai các Chương trình theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.
Báo cáo phản ánh cơ bản tình hình triển khai, kết quả thực hiện 3 CTMTQG
Tổ Công tác nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Bộ Tài chính, đã phản ánh cơ bản về tình hình triển khai, một số kết quả thực hiện 3 CTMTQG, tập trung vào việc ban hành các văn bản của Bộ Tài chính theo nhiệm vụ được phân công; các phụ lục kèm theo có thông tin về kết quả phân bổ, giải ngân của các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023; làm rõ một số hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc chậm phân bổ một số nguồn vốn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo kết quả làm việc với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Tổ Công tác nhận thấy, việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính có một số hạn chế, thiếu sót cần được tập trung khắc phục kịp thời như việc dẫn chiếu quá nhiều các điều, khoản quy định của các văn bản khác; việc bố trí, phân bổ, huy động vốn thực hiện các Chương trình chưa đáp ứng được yêu cầu, bao gồm cả vốn trung hạn và vốn hàng năm của từng Chương trình; kết quả giải ngân chung của cả 3 CTMTQG đạt rất thấp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư: Thông tư số 15 ngày 4/3/2022 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN), Thông tư số 46 ngày 28/7/2022 (Chương trình giảm nghèo bền vững), Thông tư số 53 ngày 12/8/2022 (Chương trình xây dựng nông thông mới) và một số văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp thực hiện với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các Chương trình. Nhìn chung, Bộ Tài chính đã quy định khá đầy đủ các mục theo nội dung, hoạt động, dự án theo quy định của Nghị định số 27 và đề xuất của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, mặc dù đã rất cố gắng Thông tư số 46 ban hành bị chậm gần 1 tháng theo yêu cầu tại Quyết định số 1705 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc bố trí, phân bổ, huy động vốn thực hiện 3 CTMTQG chưa đáp ứng yêu cầu
Trên cơ sở đề xuất của Bộ chủ quản cá CTMTQG và phương án phân bổ vốn đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, Bộ Tài chính đã tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2023, trình quyết định từng năm. Công tác lập kế hoạch vốn, phân bổ và giao kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và vốn năm 2022, 2023 được thực hiện kioj thời, đồng bộ và khớp đúng với số giao kế hoạch trung hạn cho từng CTMTQG. Tuy nhiên, việc tham mưu bố trí kinh phí trung hạn còn chậm và chưa đáp ứng nhu cầu; công tác phối hợp với các Bộ để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lồng ghép nguồn vốn các CTMTQG còn chậm (chưa ban hành).
Về cơ cấu nguồn vốn của từng CTMTQG, tại các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định cơ cấu nguồn vốn từng CTMTQG (bao gồm vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp) để thực hiện mục tiêu của từng Chương trình. Tuy nhiên, việc giao vốn đầu tư và vốn sự nghiệp còn khó khăn do vướng mắc trong cơ chế giao vốn đầu tư theo danh mục công trình, dự án; giao vốn sự nghiệp theo nội dung thành phần dự án và lĩnh vực chi ngân sách.
Các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc thực hiện Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, Bộ Tài chính có 50 kiến nghị phải nghiên cứu, hướng dẫn, trả lời các địa phương. Bộ Tài chính đã có 3 văn bản trả lời 49/50 kiến nghị, nhìn chung, thời gian thực hiện chậm so với yêu cầu của Công điện số 71.
Về nội dung trả lời, hướng dẫn, đa số các kiến nghị của địa phương đã được Bộ Tài chính trả lời, hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện; tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nhận thấy, có nhiều kiến nghị Bộ phải dẫn chiếu thêm một số văn bản khác để hướng dẫn thực hiện. Một số kiến nghị của các địa phương có cơ sở thực tiễn được Bộ tiếp thu, nghiên cứu hoặc phối hợp với các bộ liên quan xem xét giải quyết. Một số kiến nghị của địa phương do chưa nghiên cứu kỹ văn bản.
Tuy nhiên, một số kiến nghị được Bộ Tài chính trả lời nhưng chưa tháo gỡ được vướng mắc cho các địa phương như: kiến nghị về hình thức thanh toán các khoản hỗ trợ cho mô hình thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN; kiến nghị về sự chênh lệch của định mức hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng các xã vùng DTTS&MN tối đa 30 triệu đồng/tủ (theo Thông tư 15) với mức tối đa 50 triệu đồng/tủ theo Chương trình nông thôn mới (Thông tư số 53), dẫn đến việc thực hiện ở cơ sở gặp khó khăn.
Dẫn chiếu quá nhiều điều, khoản quy định của các văn bản khác
Tổ Công tác đề nghị cần quan tâm đến việc dẫn chiếu các điều, khoản quy định của các văn bản khác. Nội dung 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện 3 CTMTQG dẫn chiếu 324 lượt điều, khoản hoặc tên văn bản của 97 văn bản; trong đó dẫn chiếu 59 lượt từ 9 văn bản của 3 CTMTQG và 265 lượt từ 88 văn bản khác đã ban hành trước đó.
Tổ Công tác cho rằng, nội dung dẫn chiếu qua nhiều văn bản khác nhau mới có nội dung, định mức chi hoặc tiếp tục hướng dẫn lập hồ sơ (chưa có nội dung, mức chi cụ thể). Hướng dẫn thực hiện chính sách có một số nội dung chưa rõ ràng, thống nhất: Vùng (địa bàn) thực hiện chính sách chưa thống nhất; Nội dung và mức chi không giống nhau giữa các CTMTQG; Nội dung và mức chi chưa có trong văn bản được dẫn chiếu; Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách thu hẹp phạm vi so với quy định của Luật…
“Vấn đề đặt ra là khi tích hợp các chính sách để đưa vào CTMTQG thì các chính sách này đã được rà soát, đối chiếu và điều chỉnh chưa? Nếu đã rà soát thì cần làm rõ tại sao có sự chênh lệch, bất cập; nếu chưa rà soát đến thì cần phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới”, Tổ Công tác đề nghị cần lưu ý.
Tổ Công tác nhận thấy, tổng nguồn vốn thực hiện các CTMTQG chưa đáp ứng được yêu cầu, bao gồm cả vốn trung hạn và vốn hằng năm của từng Chương trình; nguồn vốn bố trí trong từng dự án và tiểu dự án chưa hợp lý; việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác rất hạn chế; phân bổ kế hoạch vốn NSTW năm 22022 chưa thực hiện đúng thời hạn theo yêu cầu của UBTVQH.
Các thành viên Đoàn giám sát tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Bộ Tài chính.
Kết quả giải ngân của 3 CTMTQG đạt rất thấp
Về kết quả giải ngân đến tháng 4/2023, tổng số vốn đã giải ngân đạt 27,4% vốn giai đoạn 2021-2023, đạt 11,87% tổng vốn giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, số vốn phải giải ngân của cả giai đoạn 2021-2025 của 3 CTMTQG là 88,13%, trong đó: vốn đầu tư xây dựng 82,4%; vốn sự nghiệp 94,5%. Theo từng Chương trình: nông thôn mới 74,66%, giảm nghèo bền vững 90,4%, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN 92,5%.
Qua số liệu, Tổ Công tác nhận thấy, đến nay đã triển khai thực heienj gần ½ thời gian của giai đoạn 2021-2025 nhưng kết quả giải ngân chung của cả 3 CTMTQG đạt rấp thấp. Trong thời gian còn lại của năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2024-2025 nói chung, với khối lượng nguồn vốn cần tiếp tục phải giải ngân rất lớn (88,13%), nếu không có quyết tâm cao, giải pháp đột phá và tập trung triển khai quyết liệt, tích cực thì việc giải ngân sẽ không hoàn thành mục tiêu và đạt hiệu quả như mong muốn.
Do đó, Tổ Công tác đề nghị cần có phương án, giải pháp xử lý sớm và linh hoạt nguồn vốn đã phân bổ, phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh phải chuyển nguồn sang năm sau hoặc thu hồi vốn, hủy dự toán ảnh hưởng đến mục tiêu của Chương trình và gây khó khăn, bức xúc từ phía người dân và đối tượng thụ hưởng chính sách.
Làm rõ, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập
Từ những lí do đã phân tích, Tổ Công tác đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm rõ, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập nêu trên. Cần tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý của Bộ Tài chính, các văn bản phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu hiệu quả cho Chính phủ quản lý, điều hành các Chương trình, trọng tâm là tập trung thực hiện tốt nội dung Công điện số 71 của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền của Bộ hoặc kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các Chương trình.
Đồng thời rà soát danh mục dự án, tiểu dự án thuộc 3 CTMTQG để phối hợp bố trí vốn, bổ sung dự toán và quản lý theo đúng quy định của Luật NSNN.
Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp đầy đủ, kịp thời kết quả giải ngân từng dự án, tiểu dự án của 3 CTMTQG; Kết hợp với việc tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị với Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo về kết quả phân bổ vốn, giải ngân của các bộ, ngành, địa phương (đến hết ngày 30/6/2023) bảo đảm rõ ràng, chính xác để làm căn cứ cho Đoàn giám sát và các Tổ Công tác xây dựng báo cáo có căn cứ, khách quan, chính xác hơn./.