Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Thực tiễn, sau gần 15 năm thực hiện Luật GTĐB năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGTĐB ở Việt Nam.
Xây dựng Luật TTATGTĐB để quy định đầy đủ, chuyên sâu về TTATGTĐB; thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo của Đảng; đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGTĐB.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện các nội dung của dự án luật liên quan đến hồ sơ dự án luật; phạm vi điều chỉnh; quy định về huy động người và phương tiện trong trường hợp cấp bách; chính sách của nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quy định về giao thông trên đường cao tốc; quy định về hơi thở, nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông.
Một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ những điểm mới của dự thảo luật so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm phòng ngừa ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Nhiều ý kiến cũng quan tâm đến quy định về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, nhằm xây dựng văn hóa, văn minh của người tham gia giao thông. Đồng thời, đề nghị sửa đổi quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông theo hướng cấm sử dụng các thiết bị gây mất tập trung, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến góp ý để tiếp tục nâng cao chất lượng dự án luật. Các nội dung của dự án luật cần bám sát 4 mục tiêu, yêu cầu, 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, sử dụng các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Đảng viên, Nhân dân về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; kết hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm hành vi phạm…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị ban soạn thảo làm rõ quy định cơ quan nào cần phải nâng cao năng lực quản lý, điều hành phối hợp các lực lượng quản lý, điều hành trong đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; làm rõ những nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, điều khiển phương tiện giao thông; làm rõ hơn quy định về các cơ quan tham gia quản lý trật tự, an toàn giao thông từ trung ương tới địa phương. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến giao thông công cộng, chống ùn tắc giao thông, quy định về nồng độ cồn, các hành vi bị nghiêm cấm, tính khả thi của dự án luật…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Điều mà cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, sau khi luật ban hành và tổ chức thực thi, tai nạn giao thông đường bộ có giảm không?; ùn tắc giao thông đường bộ có giảm không?”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông tại đô thị lớn cần các giải pháp tổng hợp và cần được luật hóa…
Tại phiên thảo luận, đại diện Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã giải trình, tiếp thu các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận đã có 11 ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 3 ý kiến tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình các vấn đề đại biểu nêu.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, đây là luật liên quan đến đời sống sinh hoạt, tính mạng, tài sản của Nhân dân được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm, vì vậy phải chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, tổ chức thẩm tra nghiêm túc, chất lượng hơn. Về hồ sơ xây dựng luật. Đa số ý kiến đều cho rằng, về mặt hình thức bảo đảm các yêu cầu của luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề nghị bổ sung nội dung hồ sơ cho phù hợp, nhất là chuẩn bị Tờ trình của Chính phủ theo hướng ngắn gọn hơn về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, trong đó đặc biệt bám sát nội dung của Chỉ thị 23-CT/TW.
Về đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, đề nghị phân định phạm vi điều chỉnh luật này và luật Đường bộ cho phù hợp; rà soát để không trùng lắp, không bỏ sót, tạo khoảng trống pháp lý cả về quy tắc an toàn giao thông, điều kiện phương tiện tham gia giao thông, người tham gia giao thông, kiểm tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông, trách nhiệm quản lý nhà nước… Tiếp tục rà soát sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ đề nghị bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm: cấm tổ chức tấn công hành hung cảnh sát giao thông, cấm cảnh sát giao thông nhận tiền hối lộ mãi lộ, cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm an toàn giao thông. Rà soát các quy định để đảm bảo tính khả thi như quy định về nồng độ cồn, xe không đảm bảo môi trường, cho mượn, cho thuê xe, chở hàng quá trọng tải, trẻ em ngồi trên ô tô, sử dụng còi xe…
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến.
Phó Chù tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng góp ý hoàn thiện dự án luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận.