CẦN GIẢI PHÁP HỮU HIỆU ĐỂ XỬ LÝ TOÀN DIỆN CÁC VỤ VIỆC KHIẾU KIỆN ĐÔNG NGƯỜI

13/07/2023

Cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tại Phiên họp thứ 24, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an có giải pháp hữu hiệu để xử lý một cách toàn diện tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người. Đồng thời cần phân tích rõ nguyên nhân để có biện pháp giải quyết hiệu quả hơn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 12/7: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 24

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình

Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6/2023 tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, có 187.306 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022; tăng 19,1% về số người được tiếp; tăng 20,7% vụ việc, tăng 27,5% đoàn đông người. Trong tháng 5 và tháng 6/2023, tại một số địa phương tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn hết sức phức tạp.

Nội dung chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, khói bụi, rác thải,… ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân; tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, trốn tránh trách nhiệm bảo hành, không bàn giao quỹ bảo trì và công tác quản lý, vận hành tòa nhà, cũng như chất lượng chung cư không đảm bảo… vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân, làm phát sinh một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp. Trong đó, nổi lên 12 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần các cơ quan, chính quyền địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Trước tình hình đó, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm hơn nữa hoạt động giám sát theo lĩnh vực phụ trách, nhất là việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực phụ trách đã được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng. Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại báo cáo hằng tháng.

Cùng với đó, Ban Dân nguyện sẽ chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện việc theo dõi, đôn đốc và giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền và tổng hợp báo cáo tại Phiên họp định kỳ hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đồng tình với báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6/2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thống nhất cao với các nhận định, đánh giá rất sát với thực tiễn. Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, Kỳ họp thứ 5 vừa qua là lần đầu tiên Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với báo cáo công tác dân nguyện. Đây là nội dung cử tri, Nhân dân hết sức quan tâm bởi những kiến nghị, phản ánh của mình được Quốc hội đưa ra bàn thảo. Do đó, nội dung này cần phải được làm đậm nét hơn trong báo cáo.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhận thấy, công tác dân nguyện và hoạt động giám sát có sự gắn kết chặt chẽ. Các thông tin của công tác dân nguyện có thể cung cấp dữ liệu đầu vào cho hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, giải trình. Do đó đề nghị bổ sung này vào báo cáo để có căn cứ cho việc xem xét các nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.

Qua theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động giám sát hàng tháng cũng cho thấy, hoạt động giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân chưa được chú trọng. Hiện nay, Điều 44 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định rất cụ thể. Các cơ quan của Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không chỉ có trách nhiệm chuyển đơn mà còn có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu, xử lý các vụ việc, nhiệm vụ này đã được quy định cụ thể tại khoản 3 điều này.

Từ phân tích trên, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội xem xét để giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri tích cực hơn. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công tác dân nguyện của nhiệm kỳ này đã đổi mới rất mạnh mẽ. Vì vậy, cần làm tốt công tác này để khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Hoạt động giải quyết đơn thư hiện nay đã có chuyển biến tích cực, nếu có thêm sự vào cuộc của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thì sẽ đạt được kết quả tốt hơn nữa.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Quan tâm tới tình hình khiếu nại, tố cáo trong tháng 6 tăng cao, đặc biệt là tình trạng công dân tập trung đông người tại Hà Nội trước và sau kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng cần phân tích rõ vụ việc, làm rõ nguyên nhân và có phân công cụ thể để giải quyết tận gốc vấn đề; nếu phía người khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật, vi phạm pháp luật thì cần. phải xử lý. Đồng thời, cần làm rõ các yếu tố khác để phòng trường hợp các phần tử xấu lợi dụng, kích động người dân.

Trên thực tế, có những người ở địa phương bị thu hồi đất nhưng không được đền bù thoả đáng. Vì vậy, những đối tượng này không nhận đền bù và ra Hà Nội để khiếu kiện, tố cáo. Về địa phương không có chỗ ở, nhưng ra Hà Nội lại phải thuê nhà trọ hoặc ngủ lề đường. Do đó, cần nghiên cứu những chính sách cụ thể đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn thật sự để đảm bảo hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Làm rõ hơn về những vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, các vụ việc khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài hiện nay là còn khá ít, cơ bản thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương… Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này, đặc biệt là đối với tình trạng công dân tập trung tại Hà Nội để khiếu kiện, tố cáo. Do đó, mong muốn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát các địa phương đối với công tác giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát, kết hợp với giám sát của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Như vậy, chắc chắn, các vụ việc sẽ dần được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Qua hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, khi xảy ra khiếu nại, tố cáo tại địa phương, địa phương báo cáo hết thẩm quyền giải quyết dẫn đến việc người dân khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp lên trung ương, trung ương lại bảo trách nhiệm thuộc về địa phương. Trong dòng người ra và về đều có sự đẩy qua, đẩy lại giữa các cơ quan trung ương với địa phương. Hiện nay, tuy các vụ việc không còn nhiều nhưng một số vụ việc kéo dài, khó giải quyết là do tình trạng trên. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ để có biện pháp quyết liệt giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần có giải pháp hữu hiệu xử lý một cách toàn diện tình trạng khiếu kiện, khiếu nại đông người. Cùng với đó, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để có biện pháp giải quyết hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với tình trạng địa phương báo cáo hết thẩm quyền giải quyết vụ việc nhưng trên thực tế vẫn chưa giải quyết được./.

Minh Thành