QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Đây là dự án Luật quan trọng, liên quan đến lợi ích của mọi người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cũng như các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án luật này được xây dựng dựa trên quan điểm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong quản lý, phát triển nhà ở, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà ở.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Bên cạnh đó, dự án luật hướng đến sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về nhà ở còn tồn tại, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh; Luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng bảo đảm an sinh xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về nhà ở nhằm hạn chế, ngăn ngừa các khiếu nại, tranh chấp trong lĩnh vực nhà ở.
Dự án luật Nhà ở (sửa đổi) hướng đến mục đích bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan như: đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong lĩnh vực nhà ở.
Về chính sách sở hữu nhà ở, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự án luật hướng đến bảo đảm cho chủ sở hữu nhà ở có điều kiện thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với tài sản nhà ở. Dự án luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở.
Về quy định về sở hữu nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, dự án luật hướng tới tăng cường, nâng cao hiệu quả việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước. Tiếp tục thực hiện chính sách cho thuê, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người dân cải thiện chỗ ở.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Để đạt được mục tiêu này, dự thảo luật sẽ luật hóa một số quy định về thẩm quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (đưa từ Nghị định lên Luật Nhà ở) và thống nhất tập trung quy định tại chính sách về sở hữu nhà ở, bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý quỹ nhà ở này. Sửa đổi bổ sung làm rõ quy định về loại nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nhằm phù hợp với các pháp luật liên quan.
Đối với quy định về sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại diện cơ quan soạn thảo cho rằng, mục tiêu của dự án luật là cụ thể hóa chính sách với kiều bào ở nước ngoài, thu hút đầu tư, nguồn lực từ nước ngoài trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hướng tới mục tiêu này, dự án luật sẽ rà soát, sắp xếp đưa một số quy định từ Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 30/2021/NĐ-CP lên Luật Nhà ở để quy định rõ về quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý về sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài; quy định rõ ràng về công bố khu vực cho phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Dự án luật cũng sẽ bám sát Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đến đối tượng sử dụng đất của người nước ngoài tại Việt Nam khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
Về chính sách xây dựng, ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, dự án luật hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò của Chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong giai đoạn mới để đảm bảo việc cân đối cung - cầu nhà ở. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước về nhà ở của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở ở trung ương và địa phương. Làm rõ các nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt và điều chỉnh chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai thực hiện tại địa phương. Đảm bảo tính kết nối, đồng bộ với các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các loại quy hoạch liên quan.
Về hướng sửa đổi, bổ sung, dự thảo luật sẽ quy định toàn bộ nội dung về chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong một Chương để nâng cao vai trò, tầm quan trọng của chính sách, đảm bảo tính kết nối. Quy định bổ sung về nguyên tắc, căn cứ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy định rõ ràng về chu kỳ và giai đoạn thực hiện.
Quy định bổ sung, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để đảm bảo tính thực tế, khả thi trong triển khai thực hiện (bổ sung quy định dự kiến nhu cầu, định hướng chỉ tiêu phát triển nhà ở trong nội dung chương trình, kế hoạch). Quy định bổ sung, làm rõ mối liên kết giữa chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở với các loại quy hoạch liên quan (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng,...) để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo mâu thuẫn trong triển khai thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện.
Ngoài ra, dự thảo luật sẽ bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thì trong chương trình phải có danh mục khu vực dự kiến phát triển nhà ở, trong kế hoạch phải có danh mục các dự án đầu tư xây dựng dự kiến thực hiện trong kỳ kế hoạch để làm cơ sở xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Sửa đổi, bổ sung quy định việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà ở cấp Trung ương trước khi phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở để nâng cao chất lượng xây dựng Chương trình, kế hoạch. Bãi bỏ quy định việc lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm của địa phương.