ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp
Đối tượng, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp trong văn bản Luật là những quy định quan trọng cho thấy rõ mức độ, ranh giới và cách thức xử lý hài hòa nguy cơ chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật, duy trì một trật tự thống nhất từ khâu ban hành cho đến áp dụng luật, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Ở Việt Nam, theo quy định Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật phải được thể hiện trong Hồ sơ đề nghị xây dựng luật và là một trong những nội dung của công tác thẩm định, thẩm tra được tiến hành bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền (các Điều 37, 39, 47 và 65 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật); cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo phải tuân thủ phạm vi điều chỉnh đã được thông qua tại Hồ sơ đề nghị xây dựng luật (Điều 55 Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật).
Thời gian qua, mặc dù đối tượng, phạm vi, nguyên tắc áp dụng luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật, song qua thực tế thực hiện đã cho thấy nảy sinh một số vấn đề bất cập, dẫn tới chồng chéo, thiếu thống nhất trong cách thể hiện những quy định này ở một số văn bản Quy phạm pháp luật.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Nghiên cứu về vấn đề này, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, đối tượng điều chỉnh pháp luật nói chung, đối tượng điều chỉnh một văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, đặc biệt của một đạo luật/luật cụ thể có ý nghĩa nhận thức, lý luận và thực tiễn rất quan trọng, chi phối toàn bộ hoạt động xây dựng pháp luật. Để xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt các văn bản luật đúng đối tượng, phạm vi điều chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển xã hội, cần phải có hiểu biết đầy đủ về đối tượng điều chỉnh pháp luật cả trên phương diện lý luận lẫn phương diện thực tiễn.
Do vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật, trong đó có quá trình xây dựng luật, các chủ thể xây dựng pháp luật cần phải có và dựa vào những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về đối tượng, phạm vi, mức độ điều chỉnh pháp luật nói chung, của một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể đang được soạn thảo nói riêng.
Phân tích về các xu hướng phát triển của pháp luật và đối tượng điều chỉnh của pháp luật, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, đối tượng, phạm vi, mức độ điều chỉnh pháp luật gắn liền với các xu hướng phát triển pháp luật. Các xu hướng phát triển pháp luật, xét theo phương diện nội dung khách quan, là xu hướng phát triển các quan hệ xã hội. Các xu hướng phát triển của pháp luật được quy định bởi những biến đổi về mọi mặt trong đời sống xã hội, bởi các xu hướng phát triển chung của xã hội và bởi vai trò ngày càng lớn lên của pháp luật và sự phát triển nội tại của pháp luật.
Trong những năm gần đây, pháp luật nước ta phát triển theo những phương hướng sau: (1)Pháp luật ngày càng mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của mình đối với các quan hệ xã hội; (2) Pháp luật ngày càng quy định rộng rãi hơn những thiết chế dân chủ và các hình thức dân chủ của đời sống xã hội, mở rộng các quyền tự do dân chủ của công dân, dân chủ hoá hoạt động tư pháp; (3) Pháp luật nước ta ngày càng được nhân đạo hoá, vì con người và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; (4) Xu hướng pháp điển hoá các ngành luật được thể hiện rất rõ trong hoạt động lập pháp nước ta;...
Việc hiểu biết các xu hướng phát triển của pháp luật có nghĩa là hiểu biết các xu hướng phát triển các quan hệ xã hội, các quan hệ là đối tượng điều chỉnh của pháp luật hiện tại và pháp luật tương lai, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các xu hướng sử dụng các hình thức văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, việc xây dựng pháp luật nói chung, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nói riêng nếu dựa trên sự hiểu biết sâu sắc các xu hướng đó sẽ thì sẽ làm cho pháp luật nói chung, văn bản quy phạm pháp luật cụ thể nói riêng có được tính ổn định cao, có tuổi “thọ” dài hơn, phúc đáp tốt nhu cầu phát triển xã hội.
Cũng theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, tức là xác định nhóm các quan hệ xã hội hiện thực do văn bản đó điều chỉnh là một quá trình phức tạp, nhiều giai đoạn, do nhiều chủ thể với những nhu cầu, lợi ích, mục tiêu khác nhau tham gia thực hiện, có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tương ứng. Chất lượng, hiệu quả, “sức sống” của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể tuỳ thuộc vào chất lượng hoạt động xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản đó. Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cụ thể cần phải tập trung mọi nỗ lực để xác định đúng đối tượng, phạm vi điều chỉnh để làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung của văn bản quy phạm pháp luật.
Để xác định đúng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của pháp luật nói chung, của một văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, GS.TS. Võ Khánh Vinh kiến nghị, cần phải mô hình hoá, khoa học hoá, quy trình hoá, chuyên môn hoá, chủ thể hoá quá trình làm sáng tỏ đối tượng, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và áp dụng điều đó vào việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh của một văn bản tương ứng khi được xây dựng./.