ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

16/06/2023

Trong khuôn khổ hoạt động của Đề tài “Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay”, do TS. Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội làm chủ nhiệm, sáng 16/6, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Hội thảo “Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay”.

HỘI THẢO KHOA HỌC: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TƯ DUY LẬP PHÁP

HỘI THẢO KHOA HỌC ĐỔI MỚI TƯ DUY LẬP PHÁP TRONG BỐI CẢNH XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN

Toàn cảnh Hội thảo 

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; PGS.TS. Trương Hồ Hải – Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS, Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có: TS. Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nhà nước và pháp luật đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,…

Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” xác định ba trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, có trọng tâm về hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật. Đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS, Lê Hải Đường cho biết, hội thảo là một trong những chuỗi hoạt động thuộc Đề tài nghiên cứu cấp Bộ do TS. Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội làm chủ nhiệm. Để góp phần hoàn thiện Đề tài, TS. Lê Hải Đường đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tham góp ý kiến toàn diện, khách quan dưới nhiều góc độ giúp Ban Chủ nhiệm Đề tài có thêm thông tin khoa học trong quá trình nghiên cứu.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm liên quan đến: Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Khó khăn, thách thức trong việc đổi mưới tư duy lập pháp ở Việt Nam và giải pháp khắc phục; Yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Tư duy lập pháp ở một số nước trên thế giới và giá trị tham khảo cho Việt Nam;…

Cho ý kiến tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, lập Hiến, lập pháp là một trong những chức năng quan trọng nhất của Quốc hội. Chức năng này đã được quy định trong các Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và được quy định cụ thể trong các luật tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trong các văn bản pháp luật khác.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Theo ý kiến chuyên gia, từ khi Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng được tăng cường và đẩy mạnh. Theo đó, số lượng các văn bản pháp luật được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày càng nhiều; pháp luật là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là phương tiện thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội; để Nhà nước quản lý xã hội và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước – Thị trường – Xã hội; là cơ sở để xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, ghi nhận và bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội; là phương tiện thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; cơ sở để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển các lĩnh vực xã hội; và tạo lập môi trường ổn định cho việc thiết lập các các mối quan hệ hợp tác và phát triển; điều chỉnh các quan hệ mới...

Nhấn mạnh trong thời gian vừa qua công tác lập pháp đã đạt được những thành tựu nhất định, các chuyên gia cho biết, hệ thống pháp luật cơ bản đã bảo đảm được tính toàn diện, dễ tiếp cận, ngày càng tiệm cận một cách đầy đủ hơn các tiêu chí về tính thống nhất, phù hợp, khả thi; hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực không ngừng được xây dựng và hoàn thiện, đặc biệt là sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48- NQ/TW của Bộ Chính trị.

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật như: Pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định; còn một số nội dung chưa có luật điều chỉnh hoặc chưa quy định cụ thể; trong hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu khả thi;...

Đề xuất giải pháp đổi mới trong thời gian tới, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: Hoạt động lập pháp tiếp tục phải kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng; Tiếp tục đổi mới tư duy lập pháp theo hướng tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp;…

Đồng thời, các chuyên gia cũng kiến nghị, cần xây dựng hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở bằng chứng; tăng cường tính chuyên nghiệp, tìm kiếm sự đồng thuận trong đề xuất và xây dựng luật; chú trọng đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh của pháp luật; tăng cường sự tham gia của người dân, đối tượng chịu sự tác động tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật;…

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cũng lưu ý, đổi mới tư duy lập pháp đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và nỗ lực của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Để đổi mới tư duy lập pháp, cần bám sát lý luận về nhà nước pháp quyền, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hiến pháp, pháp luật, và quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, đặc biệt là các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật trong Nghị quyết 27-NQ/TW.

TS. Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý chuyên sâu, xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhấn mạnh đây là đề tài khó, TS. Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện Đề tài đảm bảo kết quả nghiên cứu đưa ra những kiến nghị trọng tâm, có giá trị ứng dụng nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, góp phần giải quyết vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn đặt ra hiện nay.

Một số hình ảnh tại Hội thảo khoa học:

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay”

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; PGS.TS. Trương Hồ Hải – Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS, Phạm Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng chủ trì Hội thảo

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

PGS.TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

 PGS.TS. Trương Hồ Hải – Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội thảo

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

TS. Lưu Bình Nhưỡng – Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PGS.TS. Tào Thị Quyên, Phó Viện Trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, chuyên gia cao cấp, Bộ Tư pháp tham gia thảo luận tại Hội thảo

 Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo “Đổi mới tư duy lập pháp trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay” do Ban Chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức ./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh