ĐẢM BẢO GIẢI THÍCH RÕ RÀNG, NHẤT QUÁN CÁC KHÁI NIỆM TRONG LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

05/08/2023

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ý kiến đề nghị cần giải thích rõ ràng, nhất quán các khái niệm trong luật để đảm bảo sự minh bạch, cụ thể và khả thi của văn bản pháp luật.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Dự án luật này đã được thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự: trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 06 chương, 34 điều.

Nội dung của Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 04 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28/02/2022, gồm: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ CTQP và KQS và nội dung quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các CTQP và KQS; Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS; Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5

Theo các đại biểu, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của CTQP và KQS chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ;…

Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQS và KQS. Tuy nhiên, Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là cần thiết.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, việc ban hành Luật trên cơ sở Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS năm 1994, nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng; quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật quy định; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập sau 28 năm thực hiện Pháp lệnh bảo vệ CTQP và KQS; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của Luật với pháp luật có liên quan; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi để hoạt động quản lý, bảo vệ CTQP và KQS có hiệu lực, hiệu quả.

Tán thành với nhiều nội dung cơ bản tại Dự thảo cũng như ý kiến của cơ quan thẩm tra, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cơ quan soạn cần nghiên cứu bổ sung giải thích 1 số cụm từ mang tính chuyên ngành được nêu trong dự thảo nhưng chưa được giải thích về mặt khái niệm trong phần giải thích từ ngữ.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng góp ý cụ thể vào quy định: Về chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS (Điều 4); Về phân loại, phân nhóm CTQP và KQS (Điều 5); sử dụng, bảo quản, bảo trì CTQP và KQS (Điều 10);…

Theo đại biểu, cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ Khoản 2, Điều 4 vì chế độ chính sách sách cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được quy định rõ tại các luật chuyên ngành. Đồng thời, lưu ý các thức trình bày, diễn đạt tại Điều 5 về phân loại, phân nhóm CTQP và KQS, theo đó đề nghị đưa theo tính chất, mục đích (chuyển khoản 4, Điều 5 lên trước khoản 2, Điều 5).

Đại biểu Lê Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, về tên gọi của Luật, đề xuất xây dựng dự án Luật đã xác định tên gọi của Luật là “Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KSQ”. Trong Pháp lệnh đã có quy định về nội dung quản lý CTQP và KSQ tại các Điều 11,12, 13 và 14 Chương III; tuy nhiên tên gọi của Pháp lệnh chưa có từ “quản lý". Vì vậy, tên gọi của Luật đã được bổ sung từ “quản lý” so với tên gọi của Pháp lệnh để phù hợp với nội dung của Dự thảo Luật.

Theo đại biểu, tên gọi này phản ánh đúng nội dung, đặc thù của Luật, đã được Quốc hội thống nhất tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023.

Liên quan đến quy định về phân loại, phân nhóm CTQP và KQS đại biểu tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc phân loại, phân nhóm là cần thiết và rất quan trong. Mục đích của việc phân loại, phân nhóm CTQP và KQS để làm cơ sở xác định: phạm vi bảo vệ; yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ; chế độ, biện pháp tổ chức quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại, nhóm. Mặt khác, việc phân loại, phân nhóm CTQP và KQS còn làm cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Minh Hùng