RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG LUẬT TẠI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

09/08/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 (10/2023) tới đây. Quan tâm tới dự luật, Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, quy định về nguyên tắc áp dụng luật tại dự thảo cần bao quát, tránh mâu thuẫn với các nguyên tắc áp dụng chung của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật và Bộ luật Dân sự.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, dự  án Luật đất đai (sửa đổi) lần này được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 5 gồm 16 chương, 236 đã đề ra nhiều chính sách mới; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Việc sửa đổi luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang 

Bàn về quy định về nguyên tắc áp dụng luật, Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Công ty luật NHQuang & Cộng sự cho biết, Luật Đất đai 2013 không có quy định về nguyên tắc áp dụng luật. Do vậy, các nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 được áp dụng để xác định phạm vi áp dụng của Luật Đất đai 2013 trong mối quan hệ với toàn bộ hệ thống luật. Những bất cập trong việc không có quy định về nguyên tắc áp dụng luật tại Luật Đất đai 2013 chưa có tổng kết cụ thể. Tuy nhiên, hiện tại, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng luật.

Các nguyên tắc áp dụng luật trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được quy định theo hướng liệt kê các trường hợp đặc thù và trên tinh thần của nguyên tắc “áp dụng luật chuyên ngành” của Bộ luật dân sự 2015. Theo quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu giá sẽ được áp dụng để điều chỉnh trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất; Luật Đấu thầu được áp dụng để điều chỉnh trình tự, thủ tục đấu thầu; Luật Đầu tư 2020 được áp dụng để điều chỉnh trình tự, thủ tục chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất; Luật Quản lý Tài sản công được áp dụng trong trường hợp đất là tài sản công.

Như vậy, trong trường hợp Luật Đất đai 2013 không có quy định nguyên tắc này thì chủ thể áp dụng pháp luật có thể sử dụng nguyên tắc chung của Bộ luật dân sự 2015 để xác định luật áp dụng cho mối quan hệ cần điều chỉnh theo nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành.

Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguyên tắc áp dụng luật để  xác lập quyền bề mặt, xác lập và thực hiện hợp đồng, giao dịch dân sự khác đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, … thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

Tuy nhiên, nội dung quy định này có khả năng gây mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 khi xác định luật áp dụng. Bởi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 ghi nhận nguyên tắc “áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Hoặc khi xác định các luật khác có liên quan, chủ thể áp dụng phải sử dụng các nguyên tắc áp dụng pháp luật chung tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 để lựa chọn luật áp dụng.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang cho rằng, quy định về nguyên tắc áp dụng luật trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng theo phương pháp quy định các trường hợp đặc thù, áp dụng theo các nguyên tắc chung của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Bộ luật Dân sự 2015. Đặc biệt có áp dụng 03 nguyên tắc:  áp dụng ưu tiên luật chuyên ngành trước luật chung,  áp dụng ưu tiên văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau, và nguyên tắc ưu tiên áp dụng Điều ước Quốc tế.

Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê chi tiết các trường hợp tại luật cụ thể có thể gây ra những chồng chéo, mâu thuẫn với các nguyên tắc áp dụng luật chung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Bộ luật Dân sự 2015 dẫn tới khó khăn, bất cập, lúng túng trong quá trình lựa chọn luật áp dụng. Quy định theo hướng liệt kê sẽ rất khó có thể bao quát được tất cả các trường hợp. Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng ưu tiên luật chuyên ngành lại không được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nên cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc giải thích, áp dụng pháp luật.

Từ phân tích trên, Luật sư Nguyễn Hưng Quang kiến nghị, quy định này tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo khả thi, dễ áp dụng trên thực tiễn; tránh tình trạng cập, lúng túng trong quá trình lựa chọn luật áp dụng./.

Lê Anh