ĐẤU GIÁ VIÊN PHẢI BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ HÀNH NGHỀ HÀNG NĂM

22/08/2023

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023). Quan tâm tới dự luật, một số ý kiến chuyên gia tán thành việc quy định đấu giá viên phải bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề hàng năm.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: THÁO GỠ ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP, VƯỚNG MẮC HIỆN NAY

Dự kiến trình Quốc hội khóa XV dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Sau hơn 06 năm triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý về trình tự, thủ tục đấu giá chung; … Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần kịp thời  sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với một số luật có liên quan mới được sửa đổi, ban hành.

Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, sau quá trình xây dựng và chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã khắc phục được cơ bản những tồn tại, bất cập trong đấu giá tài sản.

Theo đó, tại dự thảo Luật đã giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam

Quan tâm tới các quy định về đấu giá viên, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam cho biết, cần khẳng định đấu giá viên là một nghề nghiệp. Người hành nghề đấu giá viên là người hành nghề mang tính chuyên nghiệp. Tại dự thảo Luật lần này đã quy định: về tiêu chuẩn đấu giá viên (điều 10), về đào tạo nghề đấu giá (điều 11), cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá (điều 14), những trường hợp không được cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá (Điều 15, 16, 17), ...

Nghề đấu giá là nghề mang tính chuyên nghiệp, người hành nghề đấu giá không chỉ cần có kiến thức về luật pháp, về kinh tế, mà cần có kỹ năng, đặc biệt kỹ năng điều hành, kỹ năng cung cấp dịch vụ và phẩm chất nghề nghiệp. Vì vậy, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, các tiêu chuẩn đấu giá viên và điều kiện cần phải quy định chặt chẽ, bắt buộc phải có trình độ Đại học trở lên thuộc ngành Luật và Kinh tế, theo chương trình đào tạo quốc gia. Đồng thời, phải hoàn thành khóa đào tạo về đấu giá tài sản.

Ngoài ra, chương trình đào tạo nghề đấu giá tài sản được xây dựng và nhà nước phê duyệt. Việc tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ công nhận năng lực nghề đầu giá do các tổ chức nghề nghiệp thực hiện. Việc cấp chứng chỉ hành nghề nên chăng giao cho các tổ chức nghề nghiệp thực hiện có sự quản lý và giám sát của nhà nước. Mọi đấu giá viên đều phải qua lớp hoặc khóa đào tạo nghề đấu giá và nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ chứng nhận năng lực nghề nghiệp đấu giá tài sản .

Tán thành quy định Đấu giá viên hành nghề phải tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hành nghề đấu giá tài sản bắt buộc hàng năm nếu muốn tiếp tục được hành nghề, PGS.TS Đặng Văn Thanh lưu ý, đây vừa là thông lệ phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, vừa là quy định bắt buộc đối với một số nghề nghiệp hành nghề ở Việt Nam, như hành nghề kế toán và  kiểm toán, Đại lý thuế, tư pháp. Riêng kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề  hàng năm phải tham dự đủ 40h bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo chương trình được Bộ Tài chính phê duyệt mới được tiếp tục hành nghề trong năm sau.

Quy định này cũng nhằm khắc phục tình trạng một số đấu giá viên có thẻ nhưng ít trực tiếp hành nghề nên không có cơ hội cập nhật các quy định pháp luật hoặc nghiệp vụ mới. Cần quy định các tổ chức nghề nghiệp có trách nhiệm tổ chức các khóa bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho đấu giá viên có chứng chỉ hành nghề, như Hội Luật gia, Hội các nhà đấu giá, Hiệp hội Kế toán và kiểm toán, Hiệp hội kinh doanh bất động sản, Hội thẩm định giá..

Cũng theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, hơn ai hết những đấu giá viên hành nghề đấu giá cần được cập nhật các kiến thức về Luật pháp, về chính sách của nhà nước, cập nhật các ký năng cần thiết về hành nghề đấu giá. Đây cũng là quy định góp phần nâng cao chất lượng và năng lực hành nghề của đội ngũ đấu giá viên. Tuy nhiên, để quy định phát huy được hiệu quả khi áp dụng, đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về số thời gian cần tham gia cập nhật kiến thức và cơ quan quyết định hoặc phê duyệt chương trình nội dung bồi dương bắt buộc hàng năm. 

TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp nhấn mạnh, đấu giá viên là người giữ vị trí quan trọng trong hoạt động đấu giá tài sản, là người trực tiếp điều hành cuộc đấu giá, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện .

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung tiếp tục có những quy định hoàn thiện chủ thể này, như: bỏ Điều 12 Luật đấu giá tài sản quy định về các trường hợp được miễn đào nghề đấu giá, bỏ quy định điều kiện để được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên quy định tại Điều 11 Luật đấu giá tài sản; việc bổ sung quy định bắt buộc tham gia bồi dưỡng hàng năm vào Điều 19 Luật đấu giá, bổ sung quy định tại Điều 9 Luật đấu giá tài sản về việc cấm Đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi,..

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hồng những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật cơ bản phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đào tạo các chức danh bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng viên, thừa phát lại) theo quy định của Luật Luật sư, Luật Công chứng, Nghị định Số: 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ Đấu giá viên./.

Lê Anh