ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT GIỮA LUẬT ĐẤT ĐAI VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ TRONG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

24/08/2023

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại các diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh khẳng định quy hoạch sử dụng đất là nội dung đặc biệt quan trọng và được thể hiện xuyên suốt trong Luật Đất đai, đề nghị đánh giá kĩ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp để quản lý sử dụng có hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Trần Đình Gia cho biết, quy hoạch sử dụng đất được phân thành 3 cấp gồm cấp quốc gia - cấp tỉnh - cấp huyện.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh 

Góp ý về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị bổ sung quy định chính sách hỗ trợ trường hợp hết tuổi lao động nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường. Thực tế trường hợp này khó tìm được việc làm mới, chuyển đổi nghề. Hầu hết họ không có chế độ chính sách sẽ khó khăn khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp. Một số người lao động túy đã hết tuổi lao động nhưng mà sản xuất nông nghiệp thì không có ngành nghề nào khác. Nếu chúng ta mà hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất mà không hỗ trợ cho đối tượng nay sẽ rất là khó khăn.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.

Cùng với đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015. Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các đối tượng: các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và tạo việc làm bên cạnh các đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số…

Cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ và bồi thường tái định cư. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực và đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153 và mức giảm cụ thể như đất khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, di dời do ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng con người, các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu và để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện nhiều điểm mới, làm rõ nhiều vấn đề hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, Luật cần có sự thống nhất với các quy định khác có liên quan, tránh sự chồng chéo với các Luật khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh 

Góp ý vào Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý... Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung vào dự án Luật việc thu hồi đất để phát triển các dự án thực hiện các khu chức năng trong khu kinh tế. Bởi vì khu kinh tế là chế định được quy định trong pháp luật về đầu tư. Do vậy, Luật Đất đai cũng nên có quy định về phát triển khu kinh tế từ khâu thu hồi đất phục vụ để phát triển và các ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi đất trong khu kinh tế để phát triển các khu chức năng. 

Về cho thuê đất, thu tiền cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, đại biểu Trần Thị Thu Hà đề nghị làm rõ hơn việc sử dụng đất thương mại, dịch vụ để xây dựng hạ tầng du lịch, khách sạn, công viên cây xanh, công trình xây dựng không phải là nhà ở được kinh doanh theo Luật Kinh doanh bất động sản. Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật hoặc là giao Chính phủ quy định chi tiết để khuyến khích các cái thành phần kinh tế được chủ động hoạt động kinh doanh trong việc lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất. Ngoài ra, cũng là giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên thực tế đối với các công trình không phải là nhà ở...

Ghi nhận dự thảo Luật lần này thể chế hóa nhiều nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW, đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết còn nhiều chế định cần tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét điều chỉnh và bổ sung để bảo đảm tính khả thi. 

Đại biểu Lê Hữu Trí, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Góp ý về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng mặc dù dự thảo Luật đã cố gắng xác định cụ thể danh mục các dự án mà Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, vì mục đích quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, dự thảo Luật cũng không thể liệt kê hết các dự án sẽ phát sinh trong tương lai. Vì vậy, dự thảo Luật cần thiết kế một chế định khác để xử lý trong trường hợp thực tế phát sinh loại dự án cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng không có trong danh mục dự án đã được ghi trong Luật. 

Đại biểu Lê Hữu Trí cho biết thêm, khi mà Luật Đất đai năm 2013 chưa được quy định rõ, dẫn đến nhiều trường hợp lạm dụng việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người sử dụng đất nhưng thực chất dự án không hoàn toàn để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng mà vì mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Điều này gây bức xúc cho người sử dụng đất và làm phát sinh nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Vì vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải vì lợi ích quốc gia công cộng hoặc vì mục đích quốc phòng an ninh nhưng phải bảo đảm tính thật cần thiết và không vì mục tiêu lợi nhuận.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng lưu ý đối với các dự án vừa có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng nhưng cũng có mục tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư thì cần phân định rõ trường hợp nào thì được Nhà nước thu hồi đất và trường hợp nào thì nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trong trường hợp nhà đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất thì cũng cần quy định tỷ lệ diện tích đất còn lại của dự án mà nhà đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất. Đồng thời cần có chế định điều chỉnh chênh lệch địa tô cho người sử dụng đất để bảo đảm tính công bằng về mặt lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về thẩm quyền, mục đích phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể của việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, cũng như cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người sử dụng đất trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án xây dựng các khu đô thị, nhà ở thương mại theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Minh Hùng