TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/8: TIẾP TỤC XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

29/08/2023

Tiếp tục chương trình làm việc, 14h00 chiều 29/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/8: XEM XÉT, CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (SỬA ĐỔI)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khoá XV chiều 29/8/2023

Tiếp tục chương trình sáng 29/8/2023, Hội nghị xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chiều nay, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

14h01: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Góp ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ thống nhất với ý kiến của Thường vụ Quốc hội về việc nhà ở thương mại phải căn cứ vào những quy định hiện hành và kế thừa quy định trong Luật Nhà ở hiện hành để thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng không nên giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuê. Theo đại biểu, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh, do đó Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống của công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.

Về đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa có quy định rõ ràng đất ở để xây dựng nhà ở xã hội với đất ở để xây dựng nhà ở thương mại, không đên quy định chung.

Về phát triển nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu thống nhất với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình vì cho rằng việc xây dựng nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chủ trương của Đảng về “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp”; đồng thời, giúp giải quyết được nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho công nhân khu công nghiệp.

14h08: Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam: Cần có quy định cụ thể về tiêu chí nhà ở phục vụ tái định cư

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cơ bản nhất trí và đánh giá cao công tác chuẩn bị của dự thảo Luật, các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ theo các góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5…

Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu đã góp ý 6 nội dung cho dự án Luật này. Đến nay, cơ bản 6 nội dung mà đại biểu góp ý đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ và có sự chỉnh lý. 

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư. Theo đó, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chí nhà ở phục vụ tái định cư để các địa phương dễ dàng trong quá trình triển khai thực 

14h14: Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội cho người lao động

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ quan tâm đến quy định về việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Theo đại biểu, có cơ sở để đưa ra quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, để đảm bảo giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở, nâng cao đời sống cho người lao động. 

Theo đại biểu, việc quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. 

Một trong những vấn đề hàng đầu được công nhân, người lao động quan tâm hiện nay là vấn đề nhà ở. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đảm bảo 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở, tuy nhiên, chúng ta chưa hoàn thành được mục tiêu này.

Đại biểu cho rằng, vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe… Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc.

Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động, điều đó cũng giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.

14h18: Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Đánh giá lại các thủ tục hành chính được bổ sung trong dự thảo Luật 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Quan tâm tới thủ tục hành chính, đại biểu cho biết, trang web chuyên thống kê về chỉ mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỉ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia khu vực châu Á. Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần. Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân...

Đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm. Theo đó, khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Đại biểu chỉ rõ, đây là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 35 quy định, đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư. Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một bước nữa mới trở thành chủ đầu tư.

Do đó, đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá lại có bao nhiêu thủ tục hành chính đã được cắt giảm, bao nhiêu thủ tục được bổ sung trong dự thảo Luật để làm cơ sở cho đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

14h26: Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Bổ sung quy định để đảm bảo mọi công dân đều có quyền về chỗ ở. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đánh giá cao dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình đã nghiên cứu kỹ ý kiến của đại biểu Quốc hội và các ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu cho biết, người Việt Nam từng có câu “an cư lạc nghiệp” để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có những quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.

Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở bổ sung vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.

Về lập hồ sơ nhà ở, điểm b và c khoản 2 Điều 117 quy định một số loại giấy tờ đối với nhà ở tại khu đô thị và đối với nhà ở tại nông thôn, theo đại biểu việc quy định các loại giấy tờ “nếu có” rất dễ dẫn đến tranh cãi khi thực hiện. Quy định như vậy thì không rõ giấy tờ nào được coi là giấy tờ “nếu có” vì vậy có cần thiết hay không khi có cũng được mà không có cũng được; đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể có tính khẳng định rõ ràng về những giấy tờ phải có trong mỗi giai đoạn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, tránh gây phiền hà cho người dân sau này.

Về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư, đại biểu cho biết tại Điều 152 quy định trong thời gian không quá 10 ngày, chủ đầu tư không bàn giao kinh khí bảo trì, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho ban quản lý quản trị nhà chung cư.

Đại biểu băn khoăn, quy định này liệu đã thực sự phù hợp với chức năng nhiệm vụ và năng lực thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay chưa?; Số lượng nhà chung cư ở các tỉnh thành phố rất lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố có đủ khả năng về thời gian, nhân lực để xử lý vấn đề này hay không? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu quy định giao cho cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện, quận thực hiện công việc nêu trên.

Về quy định Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân,  đại biểu nhận thấy cả hai loại ý kiến đều có lý lẽ thuyết phục. Trong thực tế, đây là vấn đề mà Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã được chủ trương thực hiện thí điểm trong thời gian qua. Đại biểu đồng tình với việc tổng kết thí điểm và đưa vào dự thảo luật.

Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản và điều 3 các hành vi bị nghiêm cấm nội dung cấm phân biệt đối xử với giới trong các hoạt động liên quan đến nhà ở; bổ sung một khoản vào Điều 6 quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở với nội dung: bảo đảm quyền có nơi ở, chỗ ở tạm cho phụ nữ trẻ em trong trường hợp ly hôn, bị bạo lực gia đình, bị buôn bán trở về.

14h32: Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quãng Ngãi: Cần quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở đối với từng loại nhà nhà ở thương mại xã hội

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh sửa nghiêm túc. 

Về khoản 4 Điều 77, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, quy định huy động vốn nước ngoài đối với từng phân khúc bất động sản thị trường nhà ở, loại hình nhà ở, các quy định liên quan đến thế chấp nhà ở để dự lường những tác động không mong muốn trong chiến lược phát triển nhà ở, đảm bảo tính bền vững, minh bạch trong các biến động hiện nay.

Về chiến lược phát triển nhà ở, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cơ bản đồng tình với dự thảo từ các Điều 26 đến Điều 29. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định cụ thể hơn một số nội dung về tiêu chí chất lượng nhà ở, diện tích bình quân đối với từng loại nhà nhà ở thương mại xã hội, công vụ phục vụ tái định cư, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia, nhà lưu trú công nhân phù hợp với đặc thù địa hình, mật độ dân cư, thiết chế văn hóa tổng thể, kiến thiết, hạ tầng kinh tế kỹ thuật của đô thị, nông thôn, miền núi, núi, hải đảo và do Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Đồng thời đề nghị làm rõ nhà lưu trú công dân thuộc loại hình nào trong sáu loại hình được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật.

14h37: Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tăng phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, trong đó có báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”. Đây là một trong những vấn đề là điểm nghẽn khi thực hiện Luật tại các đô thị lớn. Đại biểu cũng nhất trí về 5 nguyên tắc khi tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật như Ủy ban Pháp luật đề ra.

Cho ý kiến về kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương tại về khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật có quy định: trường hợp trong kế hoạch có sử dụng nguồn vốn ngân sách để phát triển nhà ở phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi phê duyệt. Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng quy định phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân đối với các về kế hoạch đối với các dự án mà có sử dụng ngân sách là không cần thiết. Bởi thực tế, tất cả các dự án trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng đã được trình Hội đồng nhân dân thành phố, căn cứ để ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở thì cũng đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố về chiến lược. Như vậy là cùng một nội dung thì có đến 3 lần trình Hội đồng nhân dân về chương trình, về kế hoạch và gồm cả kế hoạch đầu tư công. Điều này gây thêm nhiều các thủ tục với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị không quy định nội dung này. Nếu trường hợp thấy cần phải kiểm soát, giám sát thì đề nghị là giao quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân. 

Về điều kiện làm chủ đầu tư dự án đối với xây dựng nhà ở, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng không nên quy định việc công nhận chủ đầu tư trong Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Để bảo đảm thống nhất thì thực hiện theo Luật Đầu tư. Theo đó thì cần bổ sung quy định về việc chấp thuận chủ đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án tại Luật Đầu tư.

Trường hợp Bộ Xây dựng cùng với cả cơ quan tiếp thu giải trình vẫn giữ quy định công nhận chủ đầu tư trong dự thảo Luật này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị là chỉnh lý điểm a, điểm b Khoản 4 Điều 35 dự thảo Luật theo hướng là phân cấp giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công nhận chủ đầu tư. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với công trình đặc biệt. Các tỉnh, thành phố làm các công trình của cấp 1 mà Bộ Xây dựng không cần thiết phải xem xét đến những nội dung này và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Về chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại tại Điều 36, về hình thức sử dụng đất , đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, việc tháo gỡ cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về quy hoạch vốn, năng lực kinh nghiệm sẽ thúc đẩy và giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy cần quy định nội dung này tại Luật Đất đai mà không quy định tại Luật Nhà ở để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan tiếp thu giải trình tiếp tục xem xét quy định cụ thể hướng xử lý trong trường hợp có đất công nằm xen kẹt trong phạm vi ranh giới dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị theo hình thức là nhận chuyển nhượng.

14h45: Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Làm rõ khái niệm “nhà lưu trú công nhân”

Tham gia ý kiến về quy định liên quan đến “nhà lưu trú công nhân” trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, và nếu không, thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở.

Đại biểu cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong khu công nghiệp thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong khu công nghiệp, thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Vì không khẳng định là nhà ở, nên nhà lưu trú công nhân không phục vụ sinh hoạt cho hộ gia đình. Nếu không cho con cái ở cùng thì có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong khu công nghiệp mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài khu công nghiệp không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong khu công nghiệp lại có cả hai lựa chọn này. Đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung này để đảm bảo các quy định trong dự thảo luật hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng luật.

14h51: Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Không cần thiết quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp và đại biểu Quốc hội Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre...

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, đối với nội dung về xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, trước hết cần tách riêng nội dung về xây dựng nhà ở xã hội và nội dung xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thành hai điều riêng. Bởi hai nội dung này hoàn toàn khác nhau, không nên gộp chung như hiện tại. 

Đối với nội dung Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi. Đại biểu Phúc cho rằng, mặc dù Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng chúng ta không nhất thiết phải quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư. 

Đại biểu lý giải, bởi chức năng cơ bản của công đoàn không có chức năng kinh doanh. Do vậy, nếu dự thảo Luật này đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp, và có thể gây ra những quan ngại như đại biểu Phạm Văn Hòa đã phân tích trước đó.

14h57: Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam: Nên xem xét cho phép Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đã nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Quan tâm với việc giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn cho thuê, đại biểu Trần Văn Khải chia sẻ với băn khoăn của các đại biểu về vấn đề này. Đại biểu cho rằng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần có báo cáo để phân tích, làm rõ nội dung này. 

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng bức xúc nhất của công nhân lao động là vấn đề nhà ở, nhiều công nhân ở khu công nghiệp đang phải chịu cảnh 5 không: Không nhà ở, không nhà trẻ, không công trình giáo dục, y tế, không có điều kiện để sinh hoạt. Và việc triển khai nhà ở cho công nhân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã được triển khai từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo đề án của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tuy nhiên quá trình triển khai còn vướng nhiều vấn đề pháp lý. 

Do đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị giao cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.

15h06: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đánh giá kỹ tác động khi giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội

Đánh giá cao dự thảo luật đã có nhiều nội dung hoàn thiện hơn, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đóng góp thêm ý kiến về vấn đề trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Theo đại biểu, đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Việc trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là quy định có mục đích nhân văn, góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được các nguồn đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn hiện nay. Đối tượng thụ hưởng của các chính sách về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là người lao động có thu nhập thấp, nên với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là tương đối phù hợp.

Khác với các chủ đầu tư thông thường, nếu trao quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động, thì đối tượng thụ hưởng chính sách chính là những đối tượng được hướng đến trong suốt các nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức này. Mặt khác, Tổng Liên đoàn Lao động có lợi thế trong việc điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, do có hệ thống công đoàn từ trung ương xuống cơ sở. Điều này giúp ích trong việc đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả đầu tư. 

Đại biểu cho rằng, đây là nội dung lớn, hoàn toàn mới, vì vậy cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí, đề nghị nghiên cứu, xem xét thực hiện thí điểm một thời gian để đánh giá tính hiệu quả trước khi quy định rõ trong luật.

15h10: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Phát huy giá trị từng loại hạ tầng nhà ở, tránh phá vỡ quy hoạch

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ, Luật Nhà ở chỉ quy định về nhà ở và kinh doanh nhà ở, đất và kinh doanh đất nên quy định trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đại biểu, các vấn đề cần quan tâm cả lý luận và thực tiễn là xác định quyền sở hữu để chủ sở hữu nhà ở có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt và hưởng lợi ích.

Hiện nay, có nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và nhà chung cư, đại biểu cho rằng cần phân biệt giữa cấu trúc hạ tầng cũng như vị trí hình thành của ba loại nhà này gắn với chế định về quy mô, công năng nhằm phát huy giá trị của từng loại hạ tầng nhà và tránh bị phá vỡ quy hoạch, không gian mỹ quan....

Liên quan tới quy định về nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần xác định rõ nội hàm giữa nhà ở của công nhân và nhà lưu trú của công nhân. Bởi Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều sử dụng thuật ngữ nhà ở chứ không phải nhà lưu trú. Đại biểu đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì không đảm bảo tính thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư; cần hạn chế đưa vào khu công nghiệp để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp. 

Đại biểu cho rằng, cần xác định phải xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chứ không xác định cụ thể vị trí xây dựng trong hay ngoài khu công nghiệp.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật Nhà ở hai phương án. Theo đó, bổ sung một điều riêng về nhà ở công nhân khu công nghiệp để đồng bộ, nhất quán từ chủ trương của Đảng đến pháp luật, chính sách của Nhà nước. Hoặc điều chỉnh tên gọi của điều về nhà lưu trú công nhân thành nhà ở công nhân.

15h16: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Đề nghị bổ sung quy định cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư dưới nhiều hình thức

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết, khoản 3 Điều 153 dự thảo luật quy định chủ sở hữu có trách nhiệm đóng góp kinh phí bảo trì, tuy nhiên không quy định biện pháp để bắt buộc người sở hữu phải đóng và dự thảo luận chỉ mới quy định về cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì đối với chủ đầu tư. 

Trong thực tế khi chung cư xuống cấp nhưng không đủ kinh phí cần phải thu thêm nhưng vì nhiều lý do chủ sở hữu căn hộ không đóng kinh phí, dẫn đến khó khăn cho công tác bảo trì, sửa chữa. Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung hành vi không đóng kinh phí bảo trì căn hộ là hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 3 của dự thảo luật. 

Về chỗ để xe ô tô nhà chung cư tại  Điều 9, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định rõ vấn đề này trong dự thảo luận; đồng thời đề nghị quy định rõ trong luật về cơ quan có thẩm quyền phải kiểm soát các quy định của hợp đồng mua bán nhà chung cư đảm bảo quyền lợi của người mua.

Về hình thức tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, tại khoản 2 Điều 143 dự thảo quy định hình thức họp đã mở hơn so với Luật năm 2014. Đó là thay vì bắt buộc chỉ họp theo hình thức trực tiếp, trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai có thể họp trực tuyến hoặc kết hợp họp trực tiếp và họp trực tuyến. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy có nhiều nhà chung cư có quy mô lớn số dân nhiều nên việc tổ chức hội nghị trực tiếp là không khả thi. Do vậy, đại biểu cho rằng, họp trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp với trực tuyến sẽ là hình thức phù hợp và khả thi.

Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo quy định cho phép tổ chức hội nghị nhà chung cư bằng các hình thức: trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong mọi hoàn cảnh, không chỉ cho phép họp trực tuyến kết hợp trực tiếp trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Góp ý về Điều 81 của dự thảo luật, đại biểu đồng tình với phương án 1, tiếp tục quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong xây dựng nhà ở xã hội và bổ sung trách nhiệm với phương thức linh hoạt, không quy định khô cứng phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội…

15h24: Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk: Cần có quy định riêng bảo đảm chế độ về nhà ở cho lực lượng vũ trang

Cho ý kiến về nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu rõ lực lượng vũ trang là lực lượng đặc thù. Vì vậy trước hết cần xác định phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang là trách nhiệm của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy trong quy hoạch xây dựng của các địa phương, trong chiến lược và kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang cần hình thành các khu nhà ở, lực lượng vũ trang theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình cho từng loại đối tượng như là sĩ quan các cấp, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, lực lượng vũ trang áp dụng thống nhất trong cả nước…

Trong trường hợp tại một số khu vực có nhiều đơn vị thì chủ đầu tư giao cho cơ quan quân sự hoặc công an cấp tỉnh, chủ đầu tư quản lý riêng đối với nhà ở cho lực lượng vũ trang tại các đảo vùng biên giới xa xôi vùng đặc biệt khó khăn cần có cơ chế đặc thù riêng do Chính phủ quy định.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị đối với quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ cần tách riêng đối tượng được thuê nhà ở công vụ thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Về hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị nghiên cứu hiệu chỉnh theo hướng là lực lượng vũ trang được ưu tiên mua thuê, mua nhà ở xã hội; được ưu tiên vay vốn để mua thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu đề nghị hiệu chỉnh theo hướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí xét duyệt đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý.

Về kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu đề nghị là cần nghiên cứu theo hướng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Về loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung loại hình nhà ở riêng lẻ cho phù hợp với thực tiễn công tác của lực lượng vũ trang, nhất là tại các khu vực đóng quân ở vùng biên giới, hải đảo, nông thôn, miền núi.

15h30: Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Nên có nguyên tắc nhà ở phát triển đi theo với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý xung quanh các nguyên tắc, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ hơn các nguyên tắc liên quan đến Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu đề nghị nên có nguyên tắc nhà ở phát triển đi theo với quy mô phát triển dân số và quá trình đô thị hóa. Dẫn chứng về các quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc xây dựng nhà ở cùng với sự phát triển dân số không được quá dư.

Vì vậy, đại biểu nhận thấy, việc phát triển nhà ở cần lưu ý sự biến động dân số gắn với đô thị hóa. 

Nguyên tắc thứ 2, đại biểu cho rằng, phát triển nhà và cung cấp nhà cho người dân cần gắn với thu nhập thực tế của người dân. Đại biểu cũng đề nghị bỏ khái niệm “nhà lưu trú”, nên sử dụng là “nhà ở xã hội”, nhà ở xã hội dành cho công nhân; và không nên để nhà lưu trú, nhà ở xã hội cho công nhân đặt trong khu công nghiệp (vì khu công nghiệp chỉ nên tập trung để sản xuất, kinh doanh). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét, cân nhắc các vấn đề này.

Về kế hoạch phát triển nhà cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cần quy định nhà ở thương mại.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần quy định theo Luật Đất đai (sửa đổi) thì hợp lý hơn, không cần quy định trong Luật này.

15h37: Đại biểu Nguyễn Hải Hưng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đề nghị bổ sung công chức, viên chức quốc phòng được thuê nhà ở công vụ

Liên quan đến nhà ở cho lực lượng vũ trang trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Hưng cho biết dự thảo Luật đã có nhiều quy định cho đối tượng này, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang trong vấn đề nhà ở.

Tại về đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở công vụ, đại biểu Nguyễn Hải Hưng cho biết, tại Điều 45 của Dự thảo Luật quy định Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân được thuê nhà ở công vụ. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là công chức, viên chức quốc phòng được thuê nhà ở công vụ.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Hưng đề nghị bổ sung lực lượng vũ trang được hỗ trợ giải quyết bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cho các đối tượng trong lực lượng vũ trang.

Tại điều 102 về đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu đề nghị bổ sung 1 khoản: Đất quốc phòng, an ninh do các đơn vị quân đội công an đang sử dụng nhưng trong quy hoạch không có nhu cầu sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở theo quy định của Luật Đất đai để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang.

15h43: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, các ý kiến đã phát biểu đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm, cùng nhiều đóng góp quý báu cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Đối với các nội dung góp ý cụ thể, về chính sách phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm quy định tại Điều 4, Điều 5 để thể hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, quyền có nơi ở của công dân, quyền sở hữu nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, quản lý chặt chẽ chống đàu cơ, đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền… cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến, bổ sung vào các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo đầy đủ hơn. 

Về yêu cầu chung đối với phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật hiện đang quy định, tại các đô thị loại I, loại II và loại III, tại các phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, ở các khu vực này, quỹ đất hạn chế, mật độ dân cư cao, yêu cầu chỉnh trang đô thị, kiến trúc cảnh quan rất cao, nên nếu chúng ta cho phân lô bán nền ở khu vực này thì sẽ dẫn đến sử dụng đất không hiệu quả, làm tổn hại đến kiến trúc, cảnh quan. Đối với những vùng đô thị khác hoặc ở các vùng nông thôn, phân quyền cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định sao cho phù hợp với đặc điểm thực tế, có thể quy định khu vực nào phát triển dự án, khu vực nào phân lô bán nền… 

Về đất để phát triển dự án nhà ở thương mại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, quy hoạch phát triển nhà ở thương mại được thực hiện theo quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh, còn nhà ở thương mại phát triển theo nguyên tắc thị trường. Dự thảo luật cũng đã nêu 2 phương án quy định về nội dung này, nhiều ý kiến trong phiên thảo luận hôm nay ủng hộ theo phương án 1, kế thừa quy định của pháp luật hiện hành đối với đất ở, đất khác, được nhận chuyển nhượng đất ở. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, cơ quan thẩm tra sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu toàn diện, giải trình chi tiết cụ thể để hoàn thiện dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tổ chức, cơ quan hữu quan, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

16h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 21 đại biểu phát biểu ý kiến; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo giải trình nhiều vấn đề đại biểu quan tâm. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu tâm huyết, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các nội dung trọng tâm của dự thảo luận. Các ý kiến phát biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời phân tích, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung và góp thêm nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, hoàn thiện nội dung dự thảo luật.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm cầu thị của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan liên quan dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật.

Sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp ý kiến thảo luận và có báo cáo gửi đến các vị đại biểu Quốc hội,các cơ quan có liên quan để nghiên cứu tiếp thu giải trình tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan thẩm chính soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giải trình tiếp thu đầy đủ, kỹ càng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ngày hôm nay và các ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, các tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luận; lấy ý kiến của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội