BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XV

06/09/2023

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 06/9: HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN KHAI MẠC HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT TRIỂN KHAI LUẬT, NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI KHÓA XV

Báo cáo báo cáo về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể. Ngay khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành; rà soát nội dung giao quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo sâu sát công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp quyết liệt trong theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình và ban hành văn bản quy định chi tiết. Để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt như: chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế; nhắc nhở trực tiếp tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ về tiến độ, chất lượng ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo tại Hội nghị.

Về tình hình tổ chức triển khai thi hành luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến trước Kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, 41/63 (năm 2022), 28/63 (năm 2023) tỉnh, thành phố cũng đã ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn các luật, pháp lệnh mới, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, pháp lệnh. Để triển khai thực hiện luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương đã ban hành Kế hoạch hoạt động; Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành Kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật hoặc lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong Kế hoạch công tác năm, Kế hoạch triển khai luật, pháp lệnh.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như cập nhật, đăng tải công khai toàn văn nội dung các luật, nghị quyết; tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới; tổ chức các hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung; phổ biến luật thông qua chuyên trang, chuyên mục của các cơ quan báo chí thuộc phạm vi quản lý hoặc qua mạng lưới thông tin cơ sở. Một số bộ, ngành, đoàn thể đã triển khai hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào một số dự thảo luật theo định hướng của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương. Một số bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã thực hiện các hoạt động truyền thông cho từng dự án luật như: Bộ Tư pháp; Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giao thông vận tải; Đài Truyền hình Việt Nam…

Các đại biểu dự Hội nghị.

Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15/8/2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 09/37 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Đối với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực, các bộ có nhiệm vụ phải ban hành hoặc trình ban hành 41 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 01/01/2024 và Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 01/01/2028.

Về công tác kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ (tháng 7/2021) đến ngày 15/6/2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 10.504 văn bản (gồm 1.122 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 9.382 văn bản của địa phương).

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Theo đó, tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo một số nhóm lĩnh vực và một số nội dung cụ thể liên quan đến một số luật theo tổng hợp tại Báo cáo số 282-BC/ĐĐQH15 ngày 21/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội. Ban cán sự đảng Chính phủ có báo cáo gửi Đảng đoàn Quốc hội về kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Trên cơ sở kết quả rà soát văn bản do Tổ công tác và các bộ, ngành thực hiện trong các năm 2020, 2021 theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang tổ chức nghiên cứu, xử lý hoặc tham mưu xử lý theo quy định đối với 446 văn bản.

Về công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, ngay sau Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, pháp lệnh, nghị quyết giao cho địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Bên cạnh đó, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định như một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vẫn còn văn bản nợ chưa được ban hành chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ. Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở chưa phù hợp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này còn chậm; một bộ phận báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về kỹ năng, thiếu nguồn nhân lực chuyên biệt phổ biến, giáo dục pháp luật riêng cho đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc.

Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số cơ quan chưa hiệu quả, đầy đủ, đúng theo quy định. Việc xử lý văn bản sau rà soát chưa kịp thời, nhất là việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định do cấp có thẩm quyền của địa phương ban hành để phù hợp với văn bản của trung ương; chưa thực sự kết nối hiệu quả giữa kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Về công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 83 văn bản quy định chi tiết (gồm 11 văn bản nợ ban hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực và 72 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết hoặc nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới). Khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế nhằm kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Về triển khai thi hành pháp luật: Tiếp tục xác định triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả luật, pháp lệnh; tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện các sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng tới mục tiêu chuyển đổi số. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành.

Tại hội nghị này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi các quy định giao quy định chi tiết trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết gắn với các điều kiện tối thiểu về thời gian, nguồn lực; giúp Chính phủ và các bộ tăng cường hoạt động giám sát đối với việc xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm trong thi hành pháp luật để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

Kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.

Về triển khai công tác lập pháp cuối năm 2023 và năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, theo Chương trình, trong 6 tháng cuối năm 2023, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 16 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6, gồm:

- 09 dự án trình Quốc hội thông qua (là các dự án đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5), gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

- 07 dự án xây dựng mới, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Tiến độ cụ thể như sau:

+ 02/07 dự án đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ).

+ 03/07 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023 (Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản).

+ 02/07 dự án (Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi)) các bộ đã và đang hoàn thiện hồ sơ, sẽ được Thường trực Chính phủ cho ý kiến và trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong tại Phiên họp Chính phủ tháng 8/2023.

Về việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, trong năm 2024, Chính phủ sẽ phối hợp chỉnh lý và trình mới 16 dự án luật, cụ thể:

- Tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 08 dự án luật gồm: 07 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 như đã báo cáo ở trên và 01 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 01 kỳ họp; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 07 dự án mới (Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng không nhân dân).

- Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 07 dự án (là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7); trình Quốc hội cho ý kiến 01 dự án luật mới (Luật Việc làm (sửa đổi))./.

Trọng Quỳnh