CẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP NHẬN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

12/09/2023

Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục thực hiện chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI THÁNG 8/2023

Quang cảnh phiên họp

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm đến chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ, Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan, Tổng thống Mỹ và tin tưởng thông qua các hoạt động ngoại giao này sẽ góp phần củng cố, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước tiếp tục phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ lo lắng trước tình hình sạt lở, hiện tượng nắng nóng, khô hạn, giông lốc, mưa lớn, ngày càng trở nên cực đoan xảy ra ở các địa phương đã gây thiệt hại về người và tài sản, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng thu hoạch các loại cây trồng; tình trạng mắc bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết đang gia tăng; hiện tượng thương lái, doanh nghiệp tranh mua, tranh bán gạo gây xáo trộn thị trường; giá xăng liên tục tăng trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng đến  đời sống và sản xuất; việc cập nhật, đồng bộ dữ liệu của công dân vào căn cước công dân mức độ 2 đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi, người không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, người lớn tuổi không sử dụng điện thoại di động…

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, tính đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 1.510/2.762 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, chiếm 54,7%. Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy về cơ bản các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Năm.

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn trả lời gần 1 tháng  nhưng vẫn còn 232 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ Năm vẫn chưa được giải quyết, trả lời, trong đó, một số bộ, ngành còn chưa kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Ban Dân nguyện đã ban hành công văn đôn đốc gửi đến một số bộ, ngành yêu cầu trả lời đầy đủ các kiến nghị trên. Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục cập nhật kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Về công tác tiếp công dân; xử lý đơn thư của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 354 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 350 vụ việc và có 46 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 57 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 37 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 256 vụ việc.

Các cơ quan đã nhận được 2.827 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Qua nghiên cứu 342 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 215 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ban hành 75 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân, đang nghiên cứu 16 đơn, tiếp tục xếp lưu 36 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và nhận được 136 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Qua công tác xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang tiến hành giám sát đối với 06 vụ việc cụ thể.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ, giá cả thị trường để có các giải pháp điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo, giữ vững thị trường xuất khẩu để nông dân an tâm sản xuất; có giải pháp dự báo sớm, khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra; sớm có giải pháp tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông để đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan đồng thời tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân diệt muỗi, lăng quăng, sớm phát hiện các dấu hiệu bệnh để kịp thời đến các cơ sở y tế khám và điều trị; quan tâm và có hướng xử lý đối với việc kích hoạt cập nhật, đồng bộ dữ liệu của công dân vào căn cước công dân mức độ 2 đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ em từ 14 tuổi đến 16 tuổi, người không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, người lớn tuổi không sử dụng điện thoại di động…

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho ý kiến tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, về việc xử lý các thông tin không chính xác liên quan đến những quyết sách của Quốc hội, khi phát sinh vấn đề, Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương cẩn thể hiện trách nhiệm cao, phối hợp cùng lãnh đạo địa phương để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, phân định rõ đúng sai, thông tin, giải thích lại rõ ràng, đầy đủ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với khiếu nại, tố cáo, pháp luật đã có những quy định để đảm bảo các cơ quan phải chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Tuy nhiên, đối với kiến nghị của công dân, đó có thể là nội dung đề nghị về vụ việc cụ thể, nhưng cũng có thể là sáng kiến, góp ý vào công tác quản lý nhà nước, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, vì vậy cần có cơ chế phân loại, phân công tiếp nhận, xử lý hợp lý và linh hoạt. Ban Dân nguyện là một kênh đặc biệt như vậy để chuyển những kiến nghị đó đến những cơ quan có thẩm quyền, để đảm bảo việc thông tin, thông báo tiếp nhận kiến nghị và phản hồi với người dân được thực hiện nhất quán, hiệu quả, không chồng chéo.

Cùng tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, thời gian thống kê số liệu hoạt động dân nguyện của Quốc hội là hàng tháng, nhưng việc xem xét báo cáo dân nguyện thì thường thực hiện vào giữa tháng, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy, cần có sự sắp xếp, nghiên cứu để báo cáo bao quát và cập nhật kịp thời tình hình dư luận, tâm tư của cử tri cũng như các vấn đề cấp thiết, thời sự trong đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ban Dân nguyện đã trình báo cáo đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày càng thể hiện được trình bày có bài bản, có nề nếp, khoa học, kết cấu logic, nội dung phong phú, vừa có tính bao quát, tổng hợp tình hình, có sự phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổng hợp tình hình của cả nước, vừa có các vụ việc cụ thể thuộc phạm vi, thẩm quyền giám sát, theo dõi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan Quốc hội phân cấp cho Ban Dân nguyện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các kiến nghị trong báo cáo tháng trước cũng đã được các cơ quan nghiên cứu trả lời, xử lý kịp thời và đã có báo cáo cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến, cập nhật thường xuyên, báo cáo đầy đủ để công tác dân nguyện của Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa.

Một số hình ảnh phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, về việc xử lý các thông tin không chính xác, Đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương cẩn thể hiện trách nhiệm cao, phối hợp cùng lãnh đạo địa phương để nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng, phân định rõ đúng sai, thông tin, giải thích lại rõ ràng, đầy đủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cần có sự sắp xếp, nghiên cứu để báo cáo bao quát và cập nhật kịp thời tình hình dư luận, tâm tư của cử tri cũng như các vấn đề cấp thiết, thời sự trong đời sống xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến, cập nhật thường xuyên, báo cáo đầy đủ để công tác dân nguyện của Quốc hội tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức

Các bài viết khác