THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ dự án Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 09 chương, 54 điều (tăng 2 chương 12 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).
Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được thông qua khi đề xuất đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Tờ trình dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo hướng phân định rõ thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tài liệu lưu trữ Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ; phân cấp quản lý tài liệu lưu trữ giữa cơ quan lưu trữ của Nhà nước ở trung ương và ở địa phương; thẩm quyền quản lý tài liệu các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao và thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã.
Dự thảo Luật quy định rõ giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ số, giá trị của bản số hóa tài liệu lưu trữ; quy định những yêu cầu của Hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ số, Kho lưu trữ số; thực hiện nghiệp vụ về thu thập, bảo quản, sử dụng tài liệu lưu trữ số; hoạt động nghiệp vụ đối với tài liệu lưu trữ điện tử khác, việc chuyển đổi tài liệu lưu trữ điện tử khác sang tài liệu lưu trữ số.
Dự thảo Luật quy định rõ nguyên tắc của hoạt động lưu trữ tư; quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; các hoạt động lưu trữ tư; mua bán, trao đổi, hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển trao đổi về ý kiến nghiên cứu bước đầu về dự án Luật
Dự thảo Luật quy định rõ các hoạt động dịch vụ lưu trữ; nguyên tắc, yêu cầu hoạt động dịch vụ lưu trữ; đối tượng kinh doanh và cung cấp hoạt động dịch vụ lưu trữ; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ cho cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin của công dân thông qua việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về tiếp cận thông tin, giao dịch điện tử, bí mật nhà nước, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật này cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp đã được đề ra tại Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp
Các đại biểu cũng ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Các đại biểu cũng cho rằng các nội dung sửa đổi Luật lần này có tính thực tiễn cao, đánh giá cao một số nội dung mới như phát huy giá trị lưu trữ, lưu trữ điện tử, lưu trữ tư…Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần nhấn mạnh, thể hiện được “sứ mệnh” của lưu trữ là bên cạnh việc gìn giữ những tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, còn nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm chức năng quản lý nhà nước về lưu trữ. Ở nước ta, quyền tiếp cận thông tin của công dân đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa tại Luật Tiếp cận thông tin.
Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu tại phiên họp
Theo đó, Luật Tiếp cận thông tin có quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin theo quy định tại Luật này phải lưu giữ hồ sơ, tài liệu đã được nhập vào danh mục và phải xếp loại theo cách thức, hình thức tạo thuận lợi cho việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thông tin có thể được lưu trữ điện tử, phải được số hóa trong một thời hạn thích hợp và được để mở cho mọi người tiếp cận; đồng thời, phải kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập dễ dàng từ các hệ thống khác nhau. Luật Tiếp cận thông tin cũng có quy định về một số biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, trong đó có biện pháp củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ. Do đó, việc hoàn thiện các quy định của Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần nhấn mạnh nội dung này.
Các đại biểu cũng chỉ rõ nội dung của dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật hiện hành như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kế toán, Luật Công chứng...Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để xây dựng các quy định cụ của dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu
Mặt khác, dự thảo Luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết. Các đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản quy định chi tiết.
Về các nội dung cụ thể, một số đại biểu cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lưu trữ điện tử là bắt buộc. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ có nhiều loại hình và lưu trữ điện tử chỉ là một trong số đó. Do đó, đề nghị lồng ghép quy định về lưu trữ điện tử trong các chương, điều cụ thể của dự thảo Luật thay vì dành hẳn một chương để quy định nội dung này. Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp như hiện nay, cần xây dựng kho lưu trữ chung đối với khối cơ quan nhà nước để bảo đảm sự đồng bộ, tránh trường hợp mỗi cơ quan lại có phần mềm lưu trữ khác nhau, gây khó khăn khi truy cập tài liệu. Cho ý kiến đối với nội dung về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, các ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ, để đảm bảo công bằng giữa khu vực hoạt động dịch vụ lưu trữ với khu vực nhà nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh mục tiêu của lưu trữ vừa là để gìn giữ, phát huy giá trị tài liệu, bảo quản cho hiện tại và tương lai, phát huy giá trị là sứ mệnh của lưu trữ. Do đó, các nội dung từ phông lưu trữ, thu giữ, bảo quản, sắp xếp tài liệu lưu trữ…đều hướng đến sứ mệnh đó. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật trên cơ sở ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ; cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp và có giải trình bước đầu về các ý kiến các đại biểu quan tâm như về lưu trữ điện tử, lưu trữ số, dịch vụ lưu trữ…bảo đảm chất lượng và tiến độ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 26.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Toàn cảnh phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang chủ trì, phát biểu khai mạc phiên họp
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Lò Thị Việt Hà phát biểu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu
Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu
Các đại biểu khách mời, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan phát biểu tại phiên họp.