RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI CỦA QUY ĐỊNH VỀ BƯỚC GIÁ VÀ CÁCH ÁP DỤNG BƯỚC GIÁ TRONG TỪNG HÌNH THỨC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

13/09/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023). Đánh giá cao sự cần thiết ban hành dự án luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng quy định về bước giá và cách áp dụng bước giá trong từng hình thức đấu giá đảm bảo tính khả thi.

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN: HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THEO HƯỚNG CHẶT CHẼ, MINH BẠCH HƠN

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (10/2023)

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 điều mới), bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Luật Đấu giá tài sản; Điều 2 về điều khoản thi hành và Điều 3 về quy định chuyển tiếp. Theo đó, Dự thảo Luật giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Quan tâm tới dự luật, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản (Luật số 01/2016/QH14) được ban hành sẽ là một bước tiến mới phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ; tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam 

Góp ý hoàn thiện quy định tại dự thảo liên quan đến nội dung về bước giá và cách áp dụng bước giá trong từng hình thức đấu giá tài sản, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán, Kế toán Việt Nam cho biết, tại khoản 1 Điều 5 quy định về bước giá trong đấu thầu giá tài sản. Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu, có thể  tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, trên thực tế có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như: đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp, hoặc đấu giá bằng hình thức trả giá trực tiếp bằng bỏ phiếu nhiều vòng. Đây là những đấu giá, trả giá diễn ra cùng 1 lúc mà không có người trả giá trước, người trả giá sau. Do đó, cần cân nhắc lại quy định này sao cho phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. 

Cũng theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, bước giá do người có tài sản quyết định trong trường hợp tài sản đấu giá có mức giá, nhưng trong hình thức đấu giá mà không biết mức giá cần phải có quy định Khoản 1 Điều 39 quy định  “trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá hoặc giá khởi điểm của tài sản đấu giá không xác định bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó”.

Về nguyên tắc tất cả các hình thức đấu giá tài sản đều phải có giá khởi điểm hoặc xác định giá khởi điểm, vì vậy  PGS. TS Đặng Văn Thanh đề nghị, nếu chưa xác định được giá khởi điểm hoặc không có giá khởi điểm của tài sản  thì không thể thực hiện đấu giá tài sản. Cần phải nghiên cứu, cân nhắc và có quy định phù hợp đảm bảo khả thi.

 TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp 

Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Nguyễn Thị Thu Hồng, Học viện Tư pháp cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm “bước giá” quy định tại khoản 1 Điều 5; bổ sung quy định bắt buộc phải quy định bước giá trong Quy chế cuộc đấu giá và thông báo đấu giá tài sản, việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá trong trường hợp cuộc đấu giá có bước giá và các vòng đấu giá (sửa khoản 2 Điều 34), bổ sung quy định tại Điều 47 về quyền của người có tài sản đấu giá trong việc quyết định áp dụng bước giá hoặc không áp dụng bước giá đối với cuộc đấu giá và quy định trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản; việc áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá trong trường hợp có bước giá.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hồng những sửa đổi, bổ sung đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thực hiện quy định này trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần cân nhắc tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá thông báo bước giá bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản (nếu không quy định về thời điểm thông báo liệu có gây khó khăn khi yêu cầu tổ chức đấu giá phải quy định vấn đề này trong việc quy định trong Quy chế và thông báo đấu giá tài sản không?).

 Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 

Bàn về quy định này tại dự thảo luật, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho biết, Khoản 1 Điều 5 Luật ĐGTS (được sửa đổi, bổ sung) quy định: “1. Bước giá là mức chênh lệch giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Bước giá có thể là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định”.

Để hoàn thiện quy định đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đề nghị xem xét bỏ cụm từ “có tối đa” trong việc xác định bước giá hoặc chỉ quy định nội dung này cho một/một số trường hợp cụ thể/đặc thù do về cơ bản thì mục đích của đấu giá tài sản là tìm được người mua trả giá cao nhất nên không cần hạn chế mức tối đa của bước giá và quy định mức tối đa của bước giá cũng không có vai trò kiểm soát tiêu cực trong đấu giá./.

Lê Anh