ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được bố cục thành 07 chương, 59 điều (trong đó, tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Tại dự thảo luật, phân quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý trên địa bàn Thủ đô (điểm a khoản 1 Điều 9), bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Điều 10 dự thảo Luật phân quyền một số thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND thành phố Hà Nội, đồng thời mở rộng chủ thể, đối tượng phân cấp, ủy quyền so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương như: Phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND quận, huyện, thị xã; quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý;...
Dự thảo Luật cũng quy định một số thẩm quyền vượt trội của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện tại các Điều 13, Điều 14, cụ thể: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; Điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội;…
Ngoài ra, phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho Hà Nội trong quản lý, thực hiện quy hoạch. Việc phân quyền này cũng đang được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ là về kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác theo hướng "vừa bảo đảm tính toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tạo ra đột phá, chứ không phải rải mành mành".
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong dự thảo Luật lần này cần tập trung phân cấp, phân quyền đến cấp Thủ đô, tức là cấp tỉnh. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát và nên chăng bổ sung nội dung phân cấp cho chính quyền cấp dưới; và nếu không quy định phân cấp cụ thể cho chính quyền cấp dưới, thì nên tính toán để bổ sung điều, khoản giao cho Thủ đô thẩm quyền phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cấp dưới thực hiện.
“Theo đó, những quy định về thẩm quyền nào thấy cần thiết phải quy định ngay trong Luật đối với cấp quận, huyện, sở, ngành, nội dung nào thành phố tiếp tục phân quyền cho cấp dưới. Trong Báo cáo thẩm tra nói chủ yếu là cấp thành phố, nhưng phân cấp, phân quyền bao gồm rất nhiều cấp” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Nêu quan điểm về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cùng với việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và trao cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù thì cơ chế kiểm soát quyền lực cũng là vấn đề cần được chú trọng, quan tâm. “Phân cấp cho Thủ đô quyết định về biên chế và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Phân cấp thì phải chịu trách nhiệm; hay phân quyền thì chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao; ..” Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn chứng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm áp dụng thí điểm tại các địa phương khác, quy định tại luật sửa đổi lần này phải thực sự tạo ra các cơ chế, chính sách thực sự đặc thù, đặc biệt, tạo đột phá khi triển khai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, phân cấp mạnh phải đi cùng với kiểm soát quyền lực. Cho rằng, việc giải quyết vấn đề này trong thực tế không phải dễ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cũng cần có giới hạn nhất định, tránh dẫn đến tình trạng cơ chế “xin ý kiến” nhiều quá; "Thành phố mà cái gì cũng xin ý kiến các bộ, ngành”;...
Phát biểu làm rõ nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố để giải quyết những vấn đề quan trọng của Hà Nội.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, vấn đề phân cấp, phân quyền nào đã rõ ràng thì đề nghị được quy định rõ luôn trong dự thảo luật. Thành phố sẽ rà soát thêm và khẳng định, đã phân quyền, phân cấp phải đi đôi với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị, không nên quy định tối đa thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; cần căn cứ theo quy hoạch rồi giao cho thành phố thực hiện các dự án;…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có 26 nội dung về phân cấp, phân quyền đang được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với tinh thần là “những gì phân cấp được thì quy định rõ ràng ngay trong Luật”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo đã phân quyền, phân cấp phải đồng thời gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm. Trong đó, chú trọng làm rõ các cơ chế kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả, thực chất; gắn phân quyền với chủ thể chịu trách nhiệm,…/.