NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC THÔNG QUA GIẢI TRÌNH, CÔNG KHAI CÁC KẾT LUẬN KIỂM TOÁN

25/09/2023

Đóng góp vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Ủy ban TVQH cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị; tập trung vào kết quả khắc phục kiến nghị những vấn đề cử tri đang quan tâm cũng như tăng cường công khai kết quả kiểm toán…

LÀM RÕ LIỆU CÓ DẤU HIỆU THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ TRONG BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HAY KHÔNG

LỰA CHỌN KIỂM TOÁN TRỌNG ĐIỂM, CHUYÊN ĐỀ ĐỂ CÔNG KHAI VÀ GIÁM SÁT

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, theo chủ trương, đường lối của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan. Kiểm toán Nhà nước cũng đã cơ bản thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ, đồng thời và có kết quả tốt các chức năng, nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề xây dựng thể chế, trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã chủ trì xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Việc này được giao theo Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2019; Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa đổi, bổ sung năm 2020. Tháng 2/2023, Kiểm toán Nhà nước đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/5. Đây cũng là một điểm nhấn trong lĩnh vực xây dựng thể chế, thực hiện theo quy định của 2 luật, cũng là chức năng kiểm toán, góp phần hoàn thiện kỷ luật, kỷ cương để Kiểm toán Nhà nước có cơ sở pháp lý hoạt động tốt hơn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán Nhà nước phải ban hành rất nhiều các văn bản về nghiệp vụ, trong đó có văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là cơ sở rất quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường chất lượng kiểm toán, tăng cường công tác nghiệp vụ của toàn ngành cũng như để tạo điều kiện cho các đối tượng kiểm toán thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Từ thể chế đó, công tác tổ chức, điều hành của lãnh đạo kiểm toán và tổ chức hoạt động của ngành kiểm toán cũng có nhiều đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, tăng cường, coi trọng đạo đức công vụ, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin. Lần đầu tiên có số hóa báo cáo để gửi đến các đại biểu Quốc hội, đây cũng là điểm mới cũng cần được ghi nhận và tiếp tục xem có gì tốt, có gì chưa tốt thì tiếp tục phát huy.

Ngoài ra, trong năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng kiểm toán, giảm số lượng các đoàn thanh tra, kiểm tra với mục đích giảm phiền hà cho địa phương, doanh nghiệp.

Để hoạt động kiểm toán được chất lượng, hiệu quả hơn nữa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiếp tục phát huy sự phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan trong công tác điều hành; phối hợp với Ủy ban Tài chính- Ngân sách thực hiện phiên giải trình thực hiện các kết luận kiểm toán để đưa ra những kiến nghị. Phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tham gia tích cực vào các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội; đồng thời tăng cường kiểm toán từ xa. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước có thể báo cáo thêm với Quốc hội về những tồn tại, hạn chế, bất cập; thực hiện hiệu quả các văn bản dưới luật để qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị...

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh.

Đồng thuận với quan điểm trên, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm: Kiểm toán Nhà nước cần tập trung vào kết quả khắc phục kiến nghị những vấn đề dư luận và cử tri đang quan tâm như: Tái cơ cấu, định giá ngân hàng mua bắt buộc, rồi vấn đề năng lượng, giá điện, điện mặt trời... Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần phân tích rõ hơn tình hình chất lượng các cuộc kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề và việc chậm phát hành các báo cáo khi kết thúc kiểm toán. Một nội dung là có ít các kiến nghị chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý, kiểm toán làm rõ hơn phải chăng là do chất lượng công tác kiểm toán tốt hơn, cho nên các kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xử lý ít hơn hay còn do các nguyên nhân khác, đề nghị Kiểm toán làm rõ hơn, có giải pháp cụ thể hơn nhằm tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện.

Ngoài ra, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc tăng cường công khai kết quả kiểm toán và việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán đối với các đối tượng được kiểm toán. Nâng cao chất lượng kiểm toán viên, khắc phục tình trạng kiến nghị còn chung chung, không cụ thể, thiếu tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Kiến nghị về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cần đảm bảo kiến nghị đúng đối tượng, đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước, đơn vị để đảm bảo tính khả thi để thực hiện.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, trong Báo cáo 1044 về kết quả kiểm toán năm 2023 thì Kiểm toán cũng đã triển khai một số nội dung. Tuy nhiên, Ban Công tác đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra, cần phải làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như việc ít có những kiến nghị chuyển ra các cơ quan chức năng để xử lý.

Về Báo cáo 1042 về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2024, Ban Công tác đại biểu cũng cơ bản nhất trí với nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Ban Công tác đại biểu đề nghị ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư, mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn; kiểm toán chuyên đề về ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng, quốc phòng và an ninh; đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc, tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm. Đó là các chuyên đề như: giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện, vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm, mong Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu những nội dung đề xuất để cân nhắc đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.

Đóng góp vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, theo quy định của Luật Kiểm toán thì kết luận và kiến nghị của Kiểm toán là có giá trị bắt buộc thi hành.

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách đều đề cập việc nhiều kiến nghị của Kiểm toán là chưa được thực hiện. Ở đây liên quan đến vấn đề là nếu không thực hiện như thế là không thực hiện luật. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân.

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 101 của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải tổ chức rà soát để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay. Ủy ban Pháp luật thấy có 22 lĩnh vực trong Nghị quyết 101 đã nêu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng và Chính phủ có tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Ủy ban Pháp luật đề nghị Kiểm toán Nhà nước cung cấp đầy đủ những kiến nghị liên quan đến hệ thống pháp luật để Chính phủ tổng hợp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật quan tâm đến những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đúng quy định nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, thiếu tính khả thi dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện hoặc phải điều chỉnh kiến nghị của Kiểm toán.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, kiến nghị của Kiểm toán đúng quy định pháp luật mà không khả thi thì Kiểm toán phải kiến nghị sửa đổi chứ không phải đi sửa đổi kiến nghị của Kiểm toán. Chỗ này đề nghị Kiểm toán cung cấp thêm để minh họa, chứng minh cho nhận định này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao những kết quả của Kiểm toán Nhà nước trên các lĩnh vực; đồng thời yêu cầu Kiểm toán Nhà nước tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới./.

Bích Lan