PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN GIÁM SÁT CHẶT CHẼ VIỆC THỰC HIỆN NHỮNG CAM KẾT VỚI CỬ TRI

11/10/2023

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đến nay tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, có sự sụt giảm trong tương quan so sánh với việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4. Do đó cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, tháo gỡ khúc mắc, đồng thời cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

89,5% KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI

Sáng 11/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Năm, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục, đào tạo; Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay, 2.474 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 89,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 54/69 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.331/2.605 kiến nghị.

Cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Tiếp thu kiến nghị cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm. Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát, trong đó, tập trung vào giám sát những vấn đề bức xúc cử tri đang quan tâm. Hoạt động chất vấn đã thể hiện sự đổi mới liên tục, từ việc lựa chọn, quyết định nội dung chất vấn bám sát thực tiễn.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị cử tri đã góp phần tháo gỡ có hiệu quả nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã giải quyết, trả lời 60/61 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự; tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến; việc phân bổ biên chế đảm bảo cho các Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; nghiên cứu đổi mới tổ chức, hoạt động cơ quan điều tra của VKSNDTC…

Cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, việc gửi Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ 5 của một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp chuyển lên yêu cầu các cơ quan ở Trung ương giải quyết; vẫn còn tình trạng kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù đã được pháp luật quy định.

Quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều người dân bị ảnh hưởng do Bộ, ngành chậm xây dựng, trình ban hành quy định về hỗ trợ. Việc xây dựng trình ban hành hoặc ban hành văn bản QPPL của các Bộ, ngành còn hạn chế, vẫn còn xảy ra tình trạng quy định trong văn bản hướng dẫn không đúng với quy định của luật hoặc có sai sót nên có quy định không được thực hiện; một số kiến nghị cử tri liên quan đến việc khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Cho ý kiến tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện; ghi nhận công tác chuẩn bị của Ban Dân nguyện đã giúp Quốc hội xây dựng các Báo cáo rất quan trọng, nhất là về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Báo cáo của Ban Dân nguyện chuẩn bị công phu và thống kê kết quả tổng hợp, tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị của cử tri. Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong giải quyết kiến nghị của cử tri với tỷ lệ đạt 89,5%.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng ghi nhận các bộ ngành đã tiếp thu kiến nghị của cử tri, sửa đổi, bổ sung 26 văn bản, triển khai thực hiện một số giải pháp trong quản lý điều hành, kịp thời hỗ trợ người dân nâng cao sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cuộc sống. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; điều này đã được nêu rất rõ trong các số liệu của Báo cáo như: hơn 4.000 cuộc thanh tra hành chính, hơn 94 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và đã phát hiện số lượng vi phạm rất lớn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, trong các phụ lục kèm theo Báo cáo, còn một số lượng nhất định kiến nghị của cử tri gửi đến có thống kê nhưng chưa xử lý và chưa có lộ trình xử lý. Qua đó, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành rà soát thêm, có lộ trình để trả lời cử tri và có cơ sở để giám sát, bên cạnh đó cũng phải có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm.

Cho rằng cần có thời gian để điều chỉnh, tạo chuyển biến trong giải quyết kiến nghị của người dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ, cần có giải pháp, lộ trình rất rõ ràng, bởi người dân rất mong chờ kết quả giải quyết, có định hướng cụ thể và những kiến nghị đều là những vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, có một số quy trình giải quyết đơn thư, khiếu kiện còn kéo dài, nên người dân phải chờ đợi lâu, dẫn tới tâm lý thiếu tin tưởng vào trách nhiệm và thẩm quyền, tính nghiêm minh của pháp luật.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đến nay tỷ lệ trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5 chưa đạt yêu cầu đề ra, có sự sụt giảm trong tương quan so sánh với việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4. Do đó cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, tháo gỡ khúc mắc. Đồng thời cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện những cam kết đã đưa ra, để hạn chế các trường hợp chưa thực hiện, hoặc thực hiện không trọn vẹn cam kết, đặc biệt là trong các vấn đề cụ thể như quản lý, phát triển các cụm công nghiệp, sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hệ thống xử lý dữ liệu camera trong kinh doanh vận tải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung phiên họp.

Đối với việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, số lượng khiếu kiện, đơn thư có chiều hướng tăng vì vậy cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện của cơ sở. Đồng thời, cần phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: các cơ quan chưa chủ động tiếp công dân, chất lượng phân loại, xử lý đơn thư chưa cao, chưa hạn chế được tình trạng gửi lòng vòng, lưu đơn.

Trên cơ sở kết quả phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ các ý kiến để nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện các Nghị quyết có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp xúc cử tri; các cơ quan của Chính phủ tiếp tục cố gắng, quyết liệt hơn trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới./.

Trọng Quỳnh