CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ PHÁT BIỂU KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UBTVQH: TẬP TRUNG CHO Ý KIẾN SÂU SẮC, ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, SÁT HỢP THỰC TẾ VÀ TÍNH KHẢ THI CAO
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 11/10: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 27 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
Theo đó, tại phiên họp, uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 (tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước). Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày báo cáo; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội liên tục cập nhật nội dung phiên họp:
15h22: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.
Tham dự phiên họp có Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.
Tiếp đến, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo.
15h23: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023 tình hình công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh tăng so với năm 2022. Theo đó, số lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 37,5% so với năm 2022 với tổng số người được tiếp tăng 41,8% và hơn 294.000 vụ việc (tăng 33,2%). Tòa án nhân các cấp đã tiếp 285 lượt người (314 người) về 253 vụ việc (không có đoàn đông người), trong đó: 170 vụ việc khiếu nại; 83 vụ việc tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, các cơ quan hành chính tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo; có 28.892 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.
Về kết quả giải quyết tố cáo, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là 7.592 vụ việc, giảm 7,6%; đã giải quyết 6.547 vụ việc, đạt 86,2%. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp nhận 313 đơn tố cáo, trong đó, thuộc thẩm quyền 312 vụ việc, đủ điều kiện thụ lý 110 đơn của 109 vụ việc; đã giải quyết 100 đơn.
Về kết quả kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát, qua đó đã lập danh sách 1.003 vụ việc. Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng.
Thực hiện các kiến nghị, chỉ đạo tại Nghị quyết của Quốc hội và Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp hằng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai, thực hiện các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm, đầy đủ các nội dung, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, những vấn đề bức xúc trong xã hội được cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm (tăng 20,7%) thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận thanh tra. Qua thanh tra kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức, 520 cá nhân; đã xử lý 190 tổ chức, 460 cá nhân.
Về công tác chỉ đạo, điều hành trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, năm 2023, cùng với nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, triển khai sâu rộng, làm chuyển biến tích cực trong nhận thức cán bộ, công chức về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên quán triệt, chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí Phòng tiếp công dân, phân công lãnh đạo tiếp công dân theo quy định của pháp luật; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy chế nghiệp vụ, văn bản hướng dẫn làm cơ sở pháp lý phù hợp với hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho biết, trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo so với quy định của luật; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn ở một số nơi chưa cao, còn sai sót, nhầm lẫn, hướng dẫn, chuyển đơn không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, một số vụ việc chưa được chính quyền địa phương quan tâm, xem xét xử lý ngay từ cơ sở dẫn đến có nguy cơ diễn biến phức tạp. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu chung phấn đấu (85%); chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế.
Việc thực hiện một số kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến còn chậm, có trường hợp báo cáo kết quả thực hiện chưa kịp thời.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng cho rằng, Trong thời gian tới, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp. Đáng chú ý là tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh, thành phố phía Nam và khu vực Tây Nguyên, nếu không được xử lý dứt điểm có thể diễn biến phức tạp.
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chủ động, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
15h38: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023
Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thẩm tra Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã tích hợp, phản ánh toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước theo đúng yêu cầu của Quốc hội; đồng thời, tiếp tục có những đổi mới để nâng cao chất lượng Báo cáo.
Báo cáo cũng đã cơ bản bám sát Đề cương và các yêu cầu của UBTVQH, phản ánh rõ tình hình, với nhiều số liệu cụ thể; đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.
Qua Báo cáo của Chính phủ cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,8% các vụ việc khiếu nại, 86,2% các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Thường trực UBPL đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được trong công tác này của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước, qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực.
Bên cạnh đó, Thường trực UBPL đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các số liệu, bổ sung thông tin, đánh giá sâu sắc, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể trong Báo cáo nhằm thể hiện đầy đủ hơn kết quả của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC năm 2023 như đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ đầy đủ.
Về công tác tiếp công dân, Thường trực UBPL đề nghị Chính phủ bổ sung làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ “tiếp ít, ủy quyền nhiều”. Bên cạnh đó, trong Báo cáo gộp số ngày Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp trực tiếp tiếp công dân với số ngày ủy quyền cho cấp phó tiếp để đánh giá về việc chấp hành quy định của pháp luật về số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước là chưa bảo đảm theo đúng theo quy định của Luật Tiếp công dân, chưa phản ánh chính xác trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc trực tiếp tiếp công dân.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, Thường trực Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cấp cao càng giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn KNTC, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này; Đề nghị các cơ quan báo cáo rõ thêm lý do dẫn đến hầu hết đơn KNTC không đủ điều kiện xử lý.
Về kết quả giải quyết tố cáo, qua phân tích số liệu kết quả giải quyết tố cáo trong Báo cáo của Chính phủ, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 23,5%, so sánh với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, số tố cáo tiếp có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 33,5%, so sánh với năm 2022 là 36,1% cho thấy tỷ lệ sai sót trong giải quyết tố cáo lần đầu của các cơ quan nhà nước tuy có giảm, nhưng vẫn còn cao. Thường trực UBPL đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết tố cáo.
Về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến, Thường trực UBPL nhận thấy, tình trạng các cơ quan hành chính nhà nước chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với đơn thư của công dân do các cơ quan Quốc hội chuyển đến là vấn đề tồn tại đã được UBPL và các cơ quan khác của Quốc hội chỉ ra trong nhiều năm qua, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để.
Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm giải quyết KNTC và thông báo kịp thời kết quả giải quyết theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện những kiến nghị đã được nêu trong Thông báo kết luận của UBTVQH tại các phiên họp cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội hằng tháng…
Thường trực UBPL cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, then chốt cần thực hiện trong năm 2024, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tế của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của cơ quan, địa phương.
15h54 : Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, báo cáo của Chính phủ lần này có nhiều nội dung mới, thực hiện theo Nghị quyết số 76 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Đây là năm đầu tiên Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm cả khiếu nại về hành chính của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo này cần trình tại phiên họp tháng 9, tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên thực hiện, còn nhiều khó khăn trong việc thống kê số liệu từ cơ sở, không kịp tổng hợp số liệu nên nội dung này đã được chuyển sang phiên họp tháng 10. Để làm theo yêu cầu mới, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ từ sớm, xây dựng đề cương những vấn đề cần thể hiện trong báo cáo để xin ý kiến Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cùng các báo cáo liên quan đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, làm rõ nhiều nội dung quan trọng.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như: báo cáo đã đảm bảo đầy đủ nội dung Quốc hội yêu cầu hay chưa; kết quả công tác tiếp công dân có những điểm gì cần chỉnh lý, phân tích, làm rõ; kết quả, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài... cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.
16h02: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 đã phản ánh cơ bản tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính, VKSND, TAND, Kiểm toán nhà nước, cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong báo cáo, ghi nhận kết quả của các cơ quan hành chính, VKSND, TAND, Kiểm toán nhà nước trong công tác này, Đồng thời thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật khá chi tiết.
Về tiếp công dân, báo cáo của Ủy ban Pháp luật đề cập trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với các Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới chỉ chiếm 45%, còn 55% chưa trực tiếp tiếp công dân. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần làm rõ, công khai thông tin, những đơn vị đứng đầu trực tiếp tiếp công dân, công khai trước Quốc hội để các đại biểu nắm rõ.
Đồng thời công khai những đơn vị mà người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, thủ trưởng, bộ trưởng các bộ ngành. Nếu công khai thì tình hình tiếp công dân vào năm sau sẽ chuyển biến tích cực.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cao về hành chính của VKSND, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá công tác này vủa VKSND cơ bản tốt. Theo đó, VKSND các cấp tiếp tục chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính, kịp thời tiếp nhận, phân loại và giải quyết theo thẩm quyền, không phát sinh vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2023, cácTòa án tiếp tục chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, số công dân đến khiếu nại tố cáo về hành chính tại tòa án không nhiều, không có vụ việc đông người. Các tòa án đã giải quyết 29/29 vụ việc đạt 100%, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản đúng pháp luật, không có vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại các tòa án…
16h08: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật; cho rằng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 có nhiều tiến bộ, nổi bật. Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ tình hình, nhiều số liệu cụ thể, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Trên cơ sở đó đã đề ra một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác này trong cái thời gian tới....
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, so với năm 2022, số người, vụ việc và đoàn đông người năm 2023 tăng mạnh. Theo đó, tăng 37,5% về số lượt, 41,8% về số người và 33,2% về số vụ việc. Tuy Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt trên 95%; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao số đoàn đông người, số lượt người và vụ việc tăng như trên.
Bên cạnh đó, công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng tăng mạnh, nhất là về số lượt đoàn đông người. Số đơn thư do các bộ, ngành trung ương tiếp nhận tăng 79,3%; tăng cao hơn rất nhiều so với địa phương. Việc thực pháp luật về trách nhiệm tiếp công dân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cũng chưa đạt yêu cầu, chỉ đạt 45%.
Số đơn thư tố cáo có nội dung đúng, chiếm tỉ lệ là 23,5% so với tỷ lệ năm 2022 là 18,7% cho thấy tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức cao hơn năm trước. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện những kiến nghị đã được nêu trong thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội hàng tháng. Đồng thời, bổ sung rõ địa chỉ cụ thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị còn nhiều tồn tại, hạn chế để xác định trách nhiệm và có chế tài xử lý thích hợp.
16h14: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Đồng tính với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, báo cáo của Chính phủ đã có sự đổi mới, xây dựng trên cơ sở tổng hợp nhiều nội dung về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan. Báo cáo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với các số liệu cụ thể, đầy đủ theo yêu cầu, phản ánh rõ được tình hình thực tế, đưa ra đánh giá toàn diện về kết quả đạt được, đưa ra những dự báo thiết thực về tình hình sắp tới.
Báo cáo cũng cho thấy, tại Tòa án nhân dân các cấp, số công dân đến khiếu nại, tố cáo về hành chính không nhiều, không có vụ việc đông người. Viện kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán nhà nước cũng không có nhiều công dân đến khiếu nại về hành chính. Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo năm nay tăng so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục xác thực, làm rõ thêm nguyên nhân tình hình đơn thư khiếu nịa, tố cáo tăng, chỉ rõ đâu là nguyên nhân, cần tháo gỡ trong khâu tổ chức thực hiện, hay chấn chỉnh nhận thức pháp luật, hay cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật ở địa phương.
16h22: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, theo báo cáo số vụ việc khiếu nại, tố cao tăng về số vụ việc, số lượt, số đoàn đông người; đề nghị Chính phủ làm rõ ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, còn có nguyên nhân nào khiến công dân khiếu nại gia tăng; có mâu thuẫn với nhận định cho rằng, việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp có chuyển biến tích cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 đã yêu cầu hoàn thiện, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cao, bảo đảm liên thông trong toàn hệ thống nhưng Báo cáo của Chính phủ mới có đề cập nhưng chưa rõ kết quả thực hiện cũng như các giải pháp.
Tại Báo cáo số 1045 của Thanh tra Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội có đề cập một số kết quả về nhập dữ liệu các vụ việc phức tạp về khiếu nại tố cáo theo Quyết định 1849 của Chính phủ vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều bất cập; nhiều bộ ngành địa phương chưa thường xuyên cập nhật số liệu về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; một số địa phương chủ động xây dựng sử dụng hệ thống phần mềm theo dõi riêng về tiếp công dân, khiếu nại tố cáo nhưng chưa được liên thông kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sớm có giải pháp, lộ trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tiếp công dân khiếu nại tố cáo bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc.
16h27: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua hàng năm có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Công tác khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền. Số liệu tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thể hiện trong báo cáo khá chi tiết, cụ thể.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, các vụ việc khiếu nại đông người kéo dài liên quan đến đất đai nông lâm trường nổi lên chưa rõ nét, các giải pháp chưa thể hiện sự căn cơ, cụ thể, nhất là vấn đề hoàn thiện, tổ chức và thi hành pháp luật. Bởi Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, đây là khâu cốt lõi để giải quyết căn bản kiến nghị của cử tri, khiếu nại của người dân.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhận thấy, đây cũng là khâu quan trọng trrong bảo đảm tổ chức thi hành pháp luật, được báo cáo xác định là một trong những gỉai pháp trọng tâm. Tuy nhiên thực tế thời quan qua cho thấy, công tác thông tin, tuyên truyền tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc; chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn một cách đầy đủ, báo cáo viên pháp luật có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng nghiệp vụ còn hạn chế. Một số nội dung tuyên truyền phổ biến chưa sát với khả năng tiếp cận và nhu cầu của người dân. Do đó, đề nghị bổ sung thêm mục tồn tại, hạn chế của Báo cáo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị nên bao quát tình hình biên giới, an ninh trật tự đối với vùng DTTS&MN và các tỉnh biên giới, các vùng này còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp liên quan đến tôn giáo, đất đai để gây mất trật tự. Chính quyền các cấp cần tăng cường theo dõi, nắm bắt, kịp thời xử lý, tránh bị động, bất ngờ và giải quyết các vấn đề phát sinh và mong muốn của người dân.
16h30: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ để tổng hợp vào báo cáo chung. Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh, Bộ luôn quan tâm đặc biệt tới công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Trong năm nay, số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo tăng so với năm trước, nguyên nhân là do nhà nước đang triển khai nhiều dự án lớn, thu hồi diện tích đất đai lớn, nên phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Về công tác tiếp công dân, năm vừa qua, dù có sự thay đổi trong vị trí lãnh đạo bộ, tuy nhiên công tác tiếp công dân vẫn được duy trì đúng theo quy định của pháp luật. Về số lượng đơn thư khiếu nại, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tuy số lượng đơn là khá lớn, nhưng sau khi phân loại thì có rất nhiều đơn trùng nội dung, số lượng đơn thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài nguyên Môi trường là không nhiều.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, với những vấn đề phức tạp liên quan đến đất nông, lâm trường, vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân đối với đất đai, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường hy vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua trong thời gian tới sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề này.
16h38: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng giải trình làm rõ một số nội dung
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ số liệu tình hình về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính trong đó có tình hình của Viện kiểm sát. Đồng thời, đồng tình với các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật.
Giải trình làm rõ ý kiến thẩm tra đề nghị làm rõ các trường hợp đơn không đủ điều kiện xử lý, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, trong kì báo cáo, Viện kiểm sát nhận được có 82 đơn không đủ điều kiện xử lý. Trong đó có đơn tố cáo về vi phạm đạo đức và phần lớn là đơn nặc danh và theo quy định của pháp luật đây là những trường hợp không đủ điều kiện thụ lý, xử lý. Tuy nhiên, thực hiện chức năng nhiệm vụ, trên cơ sở xem xét một số đơn nặc danh có đủ thông tin thì Viện kiểm sát vẫn có tiến hành thanh tra, kiểm tra.
16h40: Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tiếp thu, giải trình
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ giúp Thanh tra Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Đánh giá cao các ý kiến đã nêu tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các ý kiến này sẽ được tổng hợp, tiếp thu đầy đủ.
Lý giải nguyên nhân khiến số lượng khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, năm 2022 có thời gian tập trung thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nên số người dân đến trụ sở các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo ít hơn so với năm 2023.
Bên cạnh đó, năm 2023, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Chính phủ thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, do vậy, có nhiều dự án đầu tư hơn so với trước. Để thực hiện các dự án này phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, dẫn đế phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023 cho đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số lĩnh vực như về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản... gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng đổ vỡ, trong đó có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, làm phát sinh đơn thư, khiếu nại, tố cáo.
Đối với những nội dung cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật để tiếp thu, giải trình đầy đủ, sớm hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới theo đúng yêu cầu.
16h50: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 8 ý kiến phát biểu cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 (tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước). Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải trình thêm các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp đầy đủ tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của cả nước, bao gồm cả các cơ quan trong khối hành chính, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Kiểm toán nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thì đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp đổi mới các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đây là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện báo cáo theo phương pháp này và cũng có nhiều cố gắng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục phát huy kết quả này làm tốt hơn công tác trong thời gian tới; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với những đánh giá, nhận định về kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ; báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; báo cáo tiếp thu giải trình của Thanh tra Chính phủ và phát biểu của đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Để tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng báo cáo của chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu dự họp, cũng như ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật, đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về một số vấn đề để tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Trong đó tiếp tục cập nhật đầy đủ tình hình, số lượng của cả nước trong kỳ báo cáo; đánh giá làm rõ them tình hình đặc điểm, nguyên nhân khiếu nại, tố cáo năm 2023, phân tích chỉ rõ nguyên nhân số vụ việc, số đơn khiếu nại, tố cao tăng lên; rà soát bổ sung một số giải pháp khắc phục tồn tại, khó khăn, vướng mắc khắc phục tồn tại, hạn chế, làm rõ các giải pháp trọng tâm, then chốt mang tính đột phá cần thực hiện ngay và các giải pháp cơ bản lâu dài; có lộ trình giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài...
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung nêu cụ thể công khai tên danh mục những bộ ngành địa phương cơ quan đơn vị chưa làm tốt, chưa chấp hành nghiêm quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, những nơi còn nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng, kéo dài.
Chính phủ quan tâm đầu tư tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kết nối liên thông từ Trung ương đến cơ sở...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước ngày 18/10. Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với các cơ quan thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.