ĐẢM BẢO CÔNG KHAI, MINH BẠCH, KHÁCH QUAN, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

08/11/2023

Chiều 08/11, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 08/11: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN VÀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về cơ sở chính trị, pháp lý, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, trong đó đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, không để sơ hở, bất cập để tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành sửa đổi Luật Đấu giá tài sản; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và hoạt động đấu giá tài sản nói riêng; nhiều quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến các loại tài sản phải bán đấu giá đã hoặc đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; việc thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản là rất cần thiết.

Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, triển khai Luật Đấu giá tài sản, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản. Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản. Số lượng cuộc đấu giá ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn một số hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh; chưa có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù; tình trạng tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ngày càng phức tạp; cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp còn vướng mắc; Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nhất định; cơ chế kiểm soát hoạt động đấu giá bộc lộ thiếu sót; một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Về quan điểm xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được dựa trên quan điểm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được thông qua.

Việc xây dựng luật cũng kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá, áp dụng thống nhất các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung thuộc giai đoạn trước khi đấu giá (đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…) và sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá…) thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời có quy định riêng đối với một số loại tài sản đặc thù; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, việc xây dựng luật bám sát quan điểm tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Minh Hùng