SẮP XẾP LẠI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT VÀ TRAO ĐỔI HÀNG HÓA NHẰM TĂNG TÍNH TỰ CHỦ, BẢO ĐẢM AN NINH KINH TẾ

09/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thời gian tới, xu hướng chung là các hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ trước đây trên cơ sở tự do thương mại sẽ được sắp xếp lại theo hướng tăng tính tự chủ và bảo đảm an ninh kinh tế cho mỗi quốc gia.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bày tỏ quan tâm đến vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính trước những thách thức mới.

Theo TS.Trương Văn Phước, cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc sẽ kéo theo sự phân mảnh về chính trị, công nghệ và kinh tế ngày càng rõ rệt hơn, từ đó tạo ra các hệ thống kinh tế và thị trường tài chính có tính tách biệt nhau.

Phân tách chính trị, công nghệ và kéo theo là kinh tế sẽ ngày rõ rệt hơn khi sự đối đầu giữa các cường quốc lớn được thúc đẩy từ những năm cuối của thập kỉ trước sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn trong thập niên này. Cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga - Ukraine và rộng hơn đằng sau là sự đối đầu giữa Nga và NATO, những mâu thuẫn âm ỉ về chính trị và quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tại các vùng biển và đảo có tính chiến lược tại Thái Bình Dương mới chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự gia tăng rủi ro địa chính trị trên toàn cầu.

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Các biện pháp ngăn cản các doanh nghiệp công nghệ đầu tư và chia sẻ bản quyền với các quốc gia thiếu thân thiện cho tới việc tự phát triển các công nghệ riêng cho mình có thể dẫn tới sự hình thành các tiêu chuẩn công nghệ mới, có tính khác biệt giữa hai cường quốc. Tương tự, các hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ trước đây trên cơ sở tự do thương mại cũng sẽ được sắp xếp lại theo hướng tăng tính tự chủ và bảo đảm an ninh kinh tế cho mỗi quốc gia. Sự phân mảnh về chính trị, công nghệ và kinh tế sẽ gây ra những thay đổi trên thị trường tài chính toàn cầu, như thay đổi về hệ thống thanh toán quốc tế, cơ cấu dự trữ ngoại hối, dịch chuyển các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới và các cơ chế phối hợp phòng ngừa, chia sẻ rủi ro tài chính. Về cơ bản, những sự thay đổi kể trên sẽ làm tăng chi phí vốn, hạn chế khả năng đa dạng hóa, giảm lợi nhuận của các tổ chức tài chính và nguồn vốn cung ứng cho các hoạt động kinh tế.

Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý về thị trường tài chính tại mỗi quốc gia sẽ cần phải quan tâm tới rủi ro mới do những thay đổi địa chính trị kể trên tới sự an toàn của hệ thống tài chính và cả công tác điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Rủi ro địa chính trị có thể đe dọa tới sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc các giao dịch tài chính bị hạn chế hoặc cấm, các khoản đầu tư xuyên biên giới bị tạm dừng hoặc cấm, các tài sản tài chính bị ngăn chặn giao dịch… khi các quốc gia đối đầu nhau.

Các tổ chức tài chính, đặc biệt là các tổ chức tài chính huy động nguồn vốn từ bên ngoài hoặc có hoạt động tại nước ngoài, sẽ gặp phải rủi ro khi phải huy động nguồn vốn bổ sung với chi phí cao hơn, không thu hồi được các khoản tín dụng hoặc hạn chế trong việc chuyển lợi nhuận về nước. Rủi ro địa chính trị cũng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua các hoạt động kinh tế khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động kinh doanh của khách hàng vay vốn gặp khó khăn, kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến rủi ro tín dụng, thanh khoản gia tăng còn lợi nhuận sụt giảm. Hai kênh tác động này không tồn tại độc lập mà sẽ tác động qua lại, làm cho ảnh hưởng của rủi ro địa chính trị tới hệ thống tài chính và nền kinh tế có thể được khuếch đại lên nhiều lần.

Cùng với đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản. Sau sự nổi lên và sau đó là đổ vỡ của các tổ chức tài chính phi ngân hàng giai đoạn 2008, các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư đã dần phục hồi và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính. Trong một môi trường kinh tế có lãi suất thấp và các ngân hàng thương mại truyền thống bị giám sát chặt chẽ, các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã tận dụng cơ hội để phát triển nhanh chóng.

Tài sản của các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã chiếm tới gần 50% tổng giá trị tài sản của hệ thống tài chính và dĩ nhiên, mức độ rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng nói riêng và đặt trong hệ thống tài chính cũng tăng lên đáng kể. Đòn bẩy tài chính cao, chênh lệch kỳ hạn tài sản và nguồn vốn kết hợp với những quan hệ với hệ thống ngân hàng là những yếu tố khiến các tổ chức tài chính phi ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro khi ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Tình trạng các quỹ hưu trí ở Anh gặp phải rủi ro khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất vào cuối năm 2022 là ví dụ rõ rệt cho lập luận rủi ro có thể xảy ra với bất kỳ chủ thể nào, ngay cả với các quỹ hưu trí vốn có vẻ như là một kênh đầu tư an toàn.

Các hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa, dịch vụ sẽ được sắp xếp lại theo hướng tăng tính tự chủ và bảo đảm an ninh kinh tế cho mỗi quốc gia

Cuộc khủng hoảng không chỉ dừng lại ở các quỹ hưu trí mà tiếp tục lan san thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường ngoại hối khi trái phiếu chính phủ và đồng bảng Anh bị bán tháo, khiến cho giá trị danh mục đầu tư của các quỹ hưu trí tiếp tục giảm mạnh, buộc Chính phủ Anh phải có sự can thiệp mạnh mẽ để bình ổn thị trường.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và đổ vỡ thị trường bất động sản năm 2008, cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát công cụ chứng khoán hóa, hạn chế hoạt động đầu tư của các ngân hàng vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong một môi trường lãi suất thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng và các nhà đầu tư tìm cách để đạt được mức sinh lời cao hơn, các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã hình thành các phương thức huy động vốn và đầu tư vào thị trường bất động sản.

Sự xuất hiện của các quỹ tín thác và quỹ tương hỗ đầu tư bất động sản và sự quay trở lại của các chứng khoán được bảo đảm bởi bất động sản trong thời gian gần đây khiến cho sự phụ thuộc lẫn nhau của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ngày một gia tăng. Những thay đổi trong thị trường tài chính sẽ nhanh chóng tác động tới thị trường bất động sản, nhất là khi lãi suất tăng lên và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt. Ngược lại, thị trường tài chính sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi bong bóng thị trường bất động sản xuất hiện.

Hồ Hương