TIẾP THU, CHỈNH LÝ, GIẢI TRÌNH ĐẦY ĐỦ Ý KIẾN ĐẠI BIỂU HOÀN THIỆN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

09/11/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 9/11, trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở 321 ý kiến nhất trí, 63 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Đặt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra.

Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng ý với Mục tiêu tổng quát. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể như: “chăm lo các” đối tượng chính sách; “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp”, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. UBTVQH xin tiếp thu và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị rà soát rút ngắn, lựa chọn nội dung trọng điểm; tránh dàn trải, trùng với các nhiệm vụ, giải pháp; đề nghị bổ sung nội dung: “tập trung thúc đẩy phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch”; “bảo đảm môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI”; “tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách”; “tăng cường công tác tiếp công dân”... Về vấn đề này, UBTVQH đã rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2024, là cơ sở để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu, thể hiện tại các nhiệm vụ, giải pháp.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. 

Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, UBTVQH nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị làm rõ tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 đang để thấp hơn năm 2023, UBTVQH xin báo cáo như sau: Công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn khó khăn do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng sản xuất dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô. Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi. Dự kiến mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2024 khoảng 4,8% - 5,3%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến cho rằng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đang đặt mục tiêu quá cao, không thực tế. Báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết,theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2022 là 91%, năm 2023 ước khoảng 92%. Từ thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường những năm vừa qua, trên cơ sở bố trí nguồn lực và lộ trình thực hiện, mỗi năm Chính phủ đề xuất tăng tỷ lệ này thêm 1%, do đó, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết.

Các chỉ tiêu khác của năm 2024 được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2023 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2024. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ các chỉ tiêu như dự thảo Nghị quyết.

Tiếp thu, giải trình đầy đủ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo Nghị quyết.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. UBTVQH xin báo cáo một số nội dung chính đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất: UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Đẩy nhanh tiến độ “thực hiện” và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, “các chương trình mục tiêu quốc gia”; khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa “và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững”.

Đồng thời, trên cơ sở rà soát nội dung, để bảo đảm không trùng lặp, thuận tiện trong công tác theo dõi, giám sát, UBTVQH xin tiếp thu và chuyển nội dung về: “cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia”; “cho phép kéo dài nguồn kinh phí 03 chương trình mục tiêu quốc gia”; “Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm phân cấp trọn gói thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện” sang Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, “thị trường năng lượng”; “Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công”.

Đồng thời, đã tiếp thu và chuyển nội dung “Báo cáo kết quả rà soát thủ tục hành chính, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, giao thông vận tải, đất đai, nhà ở, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tín dụng, hải quan, điện lực, bảo hiểm xã hội” vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, gắn với nội dung quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, trong đó có báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ ba, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp”; “đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ tư, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường “thương mại điện tử”, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể, “hợp tác xã” với các thành phần kinh tế.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ năm, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Hoàn thiện việc biên soạn các bộ sách giáo khoa “còn lại” đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; “khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ sáu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao”; “quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, trẻ vị thành niên”; “Sơ kết 05 năm thực hiện Chiến lược phát triển Dân số Việt Nam đến năm 2030”; “nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại, bạo lực, tai nạn, thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ bảy, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, “sụt lún”, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven biển, “khu vực Bắc Trung Bộ”, khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc.

Về đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung: Ưu tiên bố trí nguồn lực,“hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài”, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, UBTVQH đã tiếp thu, sửa nội dung này thành “ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai”.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ mười, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, “an ninh” với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, “an ninh”; Tập trung trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm mạng, tội phạm mua bán người.

Tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ mười hai, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân”.

Nghị quyết đảm bảo ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn.

Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng giải trình một số nội dung. Trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ đưa vào Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; đề nghị ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung, hạn chế sử dụng các cụm từ “khẩn trương”, “sớm”, “tích cực”.

Về vấn đề này, qua rà soát, cơ bản các nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần tập trung, triển khai thực hiện trong năm 2024, có một số ít nội dung dự kiến có thể được thực hiện, triển khai sau năm 2024 được đưa vào dự thảo Nghị quyết nhằm định hướng tập trung nhiệm vụ, đẩy nhanh các công tác chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện để triển khai. Trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các Bộ, ngành và địa phương, do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “xây dựng cơ chế đặc thù” vào trước nội dung “triển khai nhanh, hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định, Nghị quyết của Quốc hội là định hướng chính sách chủ yếu để Chính phủ cụ thể hoá trong công tác điều hành, đồng thời các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), là căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai Đề án, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung về các dự án cụ thể như: một số đoạn cầu cạn đường cao tốc tuyến Cần thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 2025 - 2030; đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn các hồ, đập... Giải trình vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 3 đã khái quát nội dung về “Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia” và “Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là các công trình thủy lợi”. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo để triển khai cụ thể trong thực tế; các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện.

Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; ban hành cơ chế về điện mặt trời áp mái; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, xin không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung như: Ban hành cơ chế khoanh nợ, xóa nợ cho ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/CP, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 14 ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ…

Báo cáo nội dung này trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, nội dung nêu trên là các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Do đó, xin Quốc hội không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết kiến nghị của đại biểu Quốc hội.

Lan Hương