CHẬM GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG DO VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN ĐẾN BIẾN ĐỘNG GIÁ NGUYÊN VẬT LIỆU

15/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu là một trong những nguyên nhân khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã diễn ra sôi nổi và chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu, các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; gia hạn Hiệp định ODA, các dự án sử dụng vốn ODA thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu, đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn. Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 có chiều dài hơn 720km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập với 25 gói thầu xây lắp. Sau khi khởi công đồng loạt 14 gói thầu đầu tiên vào ngày 1-1-2023, các gói thầu tiếp theo cũng lần lượt được khởi công và trên toàn tuyến đang nỗ lực triển khai thi công. Theo Bộ Giao thông vận tải, mục tiêu năm 2023 toàn bộ 12 dự án thành phần này sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%).

GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân

Tình trạng thiếu đất, cát đắp nền không chỉ xảy ra đối với các dự án cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia mà còn ở các dự án xây dựng do địa phương làm chủ đầu tư. Từ đầu năm tới nay, loạt dự án cao tốc, vành đai khác như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TP.HCM… cùng được khởi công. Dù đã bố trí vốn, lựa chọn được nhà thầu nhưng tiến độ thi công chưa thể như kỳ vọng vì thiếu vật liệu đắp nền.

Ngày 20/6/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4776/BTNMT-KSVN gửi 37 địa phương hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy vậy, một số chủ đầu tư, nhà thầu, việc giao mỏ cho các nhà thầu khai thác vật liệu đắp nền vẫn mất nhiều thời gian. Việc giao mỏ cho các nhà thầu để khai thác phục vụ dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù là chưa có tiền lệ, với rất nhiều thủ tục phức tạp. Hiện nay, công tác xác định giá cát khai thác còn khó khăn do chưa có hướng dẫn, chưa có định mức.

Quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định pháp luật còn phức tạp. Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết Hiệp định vay còn mất nhiều thời gian. Việc chưa thống nhất giữa chủ dự án và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các chương trình, dự án. Cụ thể, với Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), đề nghị cắt giảm 359,635 tỉ đồng dự kiến bố trí năm 2023. Nguyên nhân là thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn của dự án đã hết hiệu lực, thủ tục gia hạn chưa thể hoàn thành và không thể giải ngân vốn ODA dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023.

Cùng với đó, một số dự án (di tích, y tế) chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành, chậm triển khai bước lựa chọn đơn vị thẩm định giá, hồ sơ mời thầu.

Biến động giá nguyên vật liệu gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp

Tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt, đặc biệt đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023, đi liền với nhiệm vụ hoàn thành giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện đang là vấn đề nan giải đối với ngành y tế. Tại tỉnh Quảng Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế chỉ mới thực hiện giải ngân được hơn 1% tổng vốn đầu tư công. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương và phân bổ dự toán sửa chữa cho 88 hạng mục công trình của 30 đơn vị. Riêng năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt 9 hạng mục của 9 đơn vị, dự toán hơn 43,7 tỷ đồng theo Quyết định số 3371 ngày 9/12/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Tuy nhiên, về tiến độ thực hiện đến hết quý II/2023, mới chỉ có 14 hạng mục, công trình quyết toán hoàn thành.

Bên cạnh việc chậm giải ngân các dự án quy mô cấp tỉnh, hàng loạt dự án trọng điểm cấp quốc gia của Bộ Y tế cũng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn tất thủ tục thanh toán. Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 được Bộ Y tế phê duyệt đầu tư năm 2014. Bệnh viện Bạch Mai 2 có tổng đầu tư 4.990 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 4.500 tỷ đồng. Khối lượng thi công dự án ước đạt 98% gá trị hợp đồng; giải ngân đạt 57%. Tổng thiết bị y tế đã mua 51 tỷ đồng nhưng đến nay chưa lắp đặt. Bệnh viện Việt Đức 2 có tổng đầu tư 4.968 tỷ đồng, thi công đạt 86%; chưa mua sắm thiết bị y tế. Hai dự án dừng thi công từ cuối năm 2020 do chưa được tiếp tục gia hạn thực hiện.

Nguyên nhân chậm tiến độ và không thể tiếp tục giải ngân đầu tư công của Dự án là do trong quá trình xây dựng (do yêu cầu sử dụng của Bệnh viện), chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án trọng điểm của Bộ Y tế) đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cơ sở phần kiến trúc, dẫn đến phải thay đổi các hạng mục công trình, giá trị tăng quá nhiều so với dự toán ban đầu. Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhưng không có thiết kế chi tiết, không có khối lượng, đơn giá cụ thể, nếu thanh toán theo hợp đồng sẽ có khả năng vượt giá trúng thầu. Điều này không đúng quy định tại Luật Đấu thầu là giá hợp đồng không được vượt giá trúng thầu. Nguyên nhân xuất phát từ những yếu kém và sai sót khi lập dự án, tư vấn, thẩm định, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, kí kết hợp đồng, đấu giá và tổ chức thực hiện. Dự án càng kéo dài càng gây lãng phí và khó giải quyết. Do vậy, cần dứt khoát tháo gỡ khó khăn, tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án để đưa vào hoạt động.

Minh Hùng

Các bài viết khác