GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: GIÁM SÁT VIỆC XỬ LÝ ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG CƠ CHẾ TỰ CHỦ CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
TIẾP TỤC RÀ SOÁT, ĐẢM BẢO DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI) ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT VỚI CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN
Theo khảo sát thực hiện cuối năm 2022 của hãng luật quốc tế BakerMcKenzie, 82% phản hồi của các luật sư cao cấp của các hãng luật nổi tiếng trên thế giới đều dự đoán rằng số lượng tranh chấp kinh doanh, thương mại, đầu tư trong năm 2023 sẽ tăng lên hoặc lạc quan nhất cũng là giữ nguyên.
Báo cáo của hãng luật danh giá Simmons&Simmons còn đưa ra dự đoán chi tiết hơn rằng chắc chắn các tranh chấp về mua bán cổ phần, mua bán, sát nhập công ty xuyên biên giới sẽ tăng mạnh từ năm 2023 trở đi do các đứt gãy giao dịch và phản ứng của kinh tế toàn cầu sau Covid-19 và với các căng thẳng địa chính trị hiện nay buộc các công ty dù ở quy mô nào đều phải thực hiện việc tái cấu trúc ở các mức độ khác nhau.
Ở Việt Nam, trong 10 tháng năm 2023, thống kê cho thấy đã có 146.600 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. Tuy nhiều chỉ số vĩ mô của những tháng cuối năm 2023 đã cho thấy các dấu hiệu bắt đầu tốt lên, nhưng tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, số lượng giao dịch bị gián đoạn, số lượng tranh chấp phát sinh tăng lên là điều không thể tránh khỏi, gây áp lực lớn cho các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng như hệ thống tòa án các cấp, các tổ chức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, các cơ quan thi hành án dân sự.
Trong 10 tháng năm 2023, thống kê cho thấy đã có 146.600 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường. (nguồn: Tổng cục Thống kê)
Theo Báo cáo tổng kết công tác Tòa án trong kỳ báo cáo từ 01/10/2022 đến 30/09/2023, các Tòa án đã thụ lý 468.828 vụ việc dân sự; đã giải quyết, xét xử được 408.070 vụ việc, đạt tỷ lệ 87.04% vượt 9.04% so với chỉ tiêu được Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%). So với năm 2022, số thụ lý tăng 24.426 vụ; giải quyết, xét xử tăng 21.126 vụ.
Những con số nói lên thực trạng áp lực rất lớn đang đặt ra với ngành Tòa án khi số lượng vụ việc ngày càng nhiều, chỉ có tăng mà không có giảm. Trong một vài năm trở lại đây, không ít Tòa án địa phương có tình trạng cán bộ Tòa án, Thẩm phán xin nghỉ việc vì áp lực và quá tải công việc.
Theo Báo cáo thường niên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), năm 2022 VIAC đã tiếp nhận 292 vụ tranh chấp trong đó có khoảng 60% là các tranh chấp có liên quan tới một bên là doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tăng 8.15% so với 2021. Tính tới hết tháng 10/2023, VIAC đã tiếp nhận 346 vụ tranh chấp mới, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2022, đáng chú ý là số vụ tranh chấp tăng mạnh ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản, năng lượng và các tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.
Biểu đồ Số vụ tranh chấp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tiếp nhận giai đoạn 1993 - 2022.
Đứng trước tình hình kinh tế toàn cầu biến động mạnh, tranh chấp trong mọi lĩnh vực gia tăng mạnh mẽ gây ra nhiều khó khăn, áp lực cho nền tư pháp của đất nước, việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế tư pháp và bổ trợ tư pháp trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là một mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được Ban chấp hành Trung ương Đảng đề ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.”
Trên trường quốc tế, xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (trọng tài, hòa giải thương mại), đặc biệt là các tranh chấp xuyên biên giới, có yếu tố nước ngoài đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Theo Báo cáo khảo sát về Trọng tài quốc tế của trường Đại học Queen Mary (Vương quốc Anh) năm 2021, hơn 90% số doanh nghiệp trên phạm vi thế giới được khảo sát phản hồi rằng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được lựa chọn cho các tranh chấp xuyên biên giới của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, trong khảo sát thành phần của Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, có đến 91% Doanh nghiệp FDI và 83% Doanh nghiệp trong nước trong nước không lựa chọn Tòa án làm phương thức ưu tiên khi giải quyết tranh chấp bởi các nhu cầu đặc thù của nhóm này về tính nhanh chóng, linh hoạt của thủ tục tố tụng hay vấn đề bảo mật thông tin.
Qua các số liệu trên, có thể thấy, trong khi hệ thống Tòa án nhân dân các cấp đang gặp nhiều khó khăn vì phải gánh trên vai cùng một lúc nhiều nhiệm vụ (giải quyết các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại…), dư địa phát triển của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại tại Việt Nam vẫn còn rất lớn nhưng lại chưa phát huy tốt trên thực tiễn.
Theo quy đinh của Luật Trọng tài thương mại, Bộ Luật Tố tụng dân sự tương đồng với các nguyên tắc của trọng tài quốc tế, Tòa án quốc gia/Tòa án Việt Nam sẽ có thẩm quyền hỗ trợ và giám sát các thủ tục trọng tài thương mại tại Việt Nam. Vai trò hỗ trợ và giám sát của Tòa án được đánh giá là vô cùng quan trọng tới sự phát triển của trọng tài như một khẳng định kinh điển trong trọng tài quốc tế rằng: “Tòa án có thể tồn tại không cần trọng tài; nhưng Trọng tài không thể tồn tại nếu không có Tòa án”. Báo cáo khảo sát khảo sát về Trọng tài thương mại quốc tế của trường Đại học Queen Mary năm 2021 cũng nhấn mạnh: sự hỗ trợ của tòa án và hệ thống tư pháp có vai trò quyết định tới việc các bên có lựa trọng tài ở quốc gia đó hay không.
Theo công bố của Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp, nước ta hiện đã có 44 tổ chức cung cấp phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại và hòa giải thương mại, nhưng chỉ có một số ít có hoạt động thực chất. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là tổ chức trọng tài quốc gia, được đánh giá uy tín nhất và giải quyết đa dạng các tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp có liên quan tới doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; nhưng số lượng vụ việc vẫn ở mức chưa đáng kể so với các Tòa án.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 cho thấy ngành Tòa án đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp và chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án. Tiêu biểu có thể kể đến là triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán để phục vụ cho công tác xét xử… Bên cạnh đó, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Tính đến nay, có tổng cộng 622 Tòa án trên cả nước đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 3.614 vụ án. Tuy nhiên, với số lượng vụ việc dân sự tăng từ 5-10% mỗi năm thì dường như những giải pháp trên là chưa đủ để giảm áp lực cho nguồn lực và biên chế toàn ngành.
Phiên tòa xét xử trực tuyến do Viện Kiểm sát nhân dân Thị xã Hương Thủy phối hợp với TAND thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. (ảnh minh họa: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Nhìn sang các nền tài phán phát triển trong khu vực Châu Á như Hồng Kong (Trung Quốc) hay Singapore – những nền tài phán đang chạy đua nhau ở vị trí thứ hai và thứ ba thế giới về danh hiệu địa điểm trọng tài được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất. Có thể thấy các Chính phủ và hệ thống Tòa án ở đó đều dành sự quan tâm đặc biệt cho việc thúc đẩy hoạt động của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, đặc biệt là trọng tài.
Với việc trở thành “miền đất hứa” cho các thủ tục trọng tài giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới với trị giá tranh chấp lớn, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc) đã nhận được vô số lợi ích, không chỉ là nâng cao danh tiếng của hệ thống tư pháp quốc gia mà còn tạo ra sự tin tưởng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thu hút và thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh với cam kết và sự ủng hộ hết mình của Chính phủ cũng hệ thống tư pháp cho một nền tư pháp đổi mới, thân thiện với các hoạt động giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.
Từ những báo cáo của ngành Tòa án trong năm vừa qua, có thể thấy rằng các Tòa án đã khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp; nổi bật nhất là việc triển khai, đẩy mạnh số hóa các thủ tục tại Tòa án đã đem lại những kết quả tích cực, chuẩn bị cho thời kỳ kinh tế toàn cầu số hóa.
Tuy nhiên, các nhu cầu đặc thù về một phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, bảo mật, đảm bảo tính quốc tế phục vụ hoạt động thương mại và đầu tư trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện nay tiếp tục đặt ra các áp lực lớn đối với các cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng, chủ yếu thông qua hệ thống Tòa án và các cơ quan bổ trợ tư pháp. Ngành Toà án cần đánh giá đúng vai trò đồng hành của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án như trọng tài thương mại, hòa giải thương mại để có sự quan tâm cần thiết.
Như đã đặt ra tại các buổi thảo luận của Quốc hội, chúng ta rất mong việc thúc đẩy, ủng hộ phương thức giải quyết ngoài tòa án – trọng tài thương mại, hòa giải thương mại sẽ được bổ sung vào như là một trong giải pháp quan trọng sắp tới của ngành Tòa án để nâng cao chất lượng xét xử của ngành tư pháp, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng khả năng thu hút thương mại và đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Chánh án Tòa ánh nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình trong phát biểu tại Quốc hội vừa qua, đã nêu quan điểm ưu tiên giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua hoà giải và trọng tài thương mại và chúng tôi mong rằng nội dung về hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài, hòa giải sẽ được bổ sung vào trong báo cáo công tác của Chánh án trước Quốc hội hàng năm. Đây sẽ là tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ từ hệ thống Tòa án về sự quan tâm và ủng hộ của Tòa án dành cho phương thức trọng tài tại Việt Nam.
Trước đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc giảm tải trong công tác hiện nay của Tòa án: “Như chúng ta đều biết, ở các nước trên thế giới bên cạnh xét xử của tòa án có xét xử bằng hòa giải và trọng tài thương mại là một phương pháp rất quan trọng để cộng tác và giảm tải cho công tác của các tòa án.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc giảm tải trong công tác hiện nay của Tòa án.
Có thể nói trong các giao dịch xuyên biên giới hiện nay, đến trên 90% các tranh chấp xuyên biên giới về mặt kinh tế được giải quyết không qua tòa án. Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao rất quan tâm đến công tác này, trong thời gian qua lần đầu tiên trong lịch sử Chánh án Tòa án dân tối cao đã có cuộc gặp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam để bàn về những biện pháp tăng cường sự ủng hộ và thúc đẩy phương thức trọng tài trong nền kinh tế nước ta để tham gia giải quyết các tranh chấp về kinh tế, đặc biệt là tranh chấp về kinh tế xuyên biên giới.
Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có những chỉ đạo rất cụ thể và cũng rất quyết liệt trong lĩnh vực này. Chúng tôi mong là trong thời gian tới các biện pháp này sẽ được triển khai và coi như là một biện pháp rất cơ bản để giảm tải công tác của tòa án, bên cạnh việc nâng cao năng lực của tòa án, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao công nghệ của tòa án. Có thể nói trong thời gian qua ngành tòa án đã có những nỗ lực rất lớn trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc phát triển của các phương thức giải quyết thay thế sẽ là một phương thức đồng hành với phương thức của tòa án trong một nền kinh tế thị trường. Chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào trong giải pháp sắp tới của ngành tòa án, đặc biệt là bổ sung vào trong báo cáo công tác của tòa án trước Quốc hội hàng năm. Điều này không chỉ giảm áp lực cho ngành tòa án, nâng cao chất lượng xét xử của tòa án mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới”.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.
Trả lời nội dung đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã cho biết kế hoạch tăng cường phương thức trọng tài trong nền kinh tế nước ta để tham gia giải quyết các tranh chấp về kinh tế, đặc biệt là tranh chấp về kinh tế xuyên biên giới.
Chánh án Tòa án nhân dân Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Về tăng cường các biện pháp thay thế ngoài tòa án. Chúng ta đã thông qua Luật Hòa giải ngoài tòa án, luật đang phát huy tác dụng rất tốt. Hiện nay, tỷ lệ hòa giải thành theo luật rất cao, cho nên đã giảm tải cho Tòa án. Một kênh nữa mà đại biểu Lộc đã nêu, tức là tăng cường sử dụng trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại, đây cũng là một ưu tiên của tòa án. Trên thực tế, chúng tôi đã mời tập thể lãnh đạo của trọng tài quốc tế của Phòng Thương mại đã sang làm việc, chúng tôi đã thống nhất với nhau kế hoạch để tăng cường hoạt động này. Tôi đồng ý với đề xuất của đại biểu trong báo cáo của Chánh án nên đưa nội dung này vào báo cáo hàng năm. Chúng tôi sẽ tiếp thu và đưa vào báo cáo hàng năm khi trình Quốc hội”./.
|
TS.Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
ĐBQH Thành phố Hà Nội |