GÓC NHÌN: CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI THỦ ĐÔ CẦN CÓ TÍNH ỔN ĐỊNH, KHAI THÁC TỐI ĐA DƯ ĐỊA THU NGÂN SÁCH

27/11/2023

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới. Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết phân tích một số cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: BỔ SUNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ HƠN YÊU CẦU TẠI NGHỊ QUYẾT 43-NQ/TW

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ NÊN GIAO QUYỀN CHO THÀNH PHỐ HÀ NỘI CHỦ ĐỘNG QUYẾT ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ

GÓC NHÌN CHUYÊN GIA: THÁO GỠ “NÚT THẮT” ĐỂ CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Luật Thủ đô đã được các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội tích cực, chủ động triển khai thi hành. Tuy nhiên, qua hơn 09 năm, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp; có nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện các cơ chế chính sách về tổ chức bộ máy, tài chính, quy hoạch, liên kết vùng nhất là các chính sách tài chính, thu hút, tạo nguồn lực để thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được đặt ra trong các nghị quyết: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 về “Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”; đặt ra yêu cầu “rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội”. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng”.

Để thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận lần đầu đối với dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Mục tiêu đến năm 2030 “Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Dự thảo Luật gồm 07 chương, 59 điều; tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012. Trong đó, toàn bộ Chương 4 của dự thảo Luật quy định về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô gồm 11 điều, từ Điều 35 đến Điều 45 là chương mới, được thiết kế trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô 2012, đồng thời bổ sung một số chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; nhiều chính sách thuế, phí, thu ngân sách dự báo sẽ có nhiều tác động tới vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Có thế thấy, các chính sách trong dự thảo Luật lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật Thủ đô 2012 và các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Yêu cầu đặt ra đối với các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là phải có tính đột phá, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của Thủ đô Hà Nội, ổn định lâu dài trên. Mặt khác, việc ban hành chính sách đối với Thủ đô cũng cần lưu ý tránh tạo sự không công bằng hoặc sự khác biệt quá lớn so với các địa phương khác, không tổng hợp một cách cơ học cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương khác đang được Quốc hội cho phép thí điểm; khai thác tối đa dư địa thu ngân sách của Hà Nội; không làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương…

Tại điểm a, khoản 1 Điều 36 dự thảo Luật quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: Sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố Hà Nội và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách địa phương thành phố Hà Nội sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Điều 18 dự thảo Luật về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức quy định: Thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên do thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của thành phố Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Sáng 10/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là tại Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. Như vậy, chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 18 dự thảo Luật liệu có còn được thực hiện. Do đó, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc nội dung này để bảo đảm thực hiện nhất quán theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tại Điều 39, dự thảo Luật quy định về thực hiện các dự án TOD nhằm mục tiêu huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Theo đó để thực hiện hiệu quả TOD, dự thảo Luật quy định:

(i) Việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô được ưu tiên thực hiện theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng. Dự án TOD là một dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô. HĐND thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án TOD dựa trên các điều kiện về ngân sách, diện tích đất có thể đấu giá để thực hiện tái thiết đô thị, đầu tư phát triển đô thị mới, xây dựng theo quy hoạch đô thị được phê duyệt và phát triển đường sắt đô thị; sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án TOD;

(ii) Các cơ chế huy động nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị theo TOD bao gồm: UBND thành phố Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực TOD; tiền thu được từ đấu giá các quyền này được đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối đến nhà ga.

Việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô được ưu tiên thực hiện theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.

Tôi đồng tình với quy định này. Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng là mô hình khá thành công ở Hồng Kông, Singapore và các tỉnh phía Đông của Trung Quốc. Kinh nghiệm của các dự án phát triển đô thị đường sắt công cộng gắn với phát triển bất động sản của Hồng Kông đã tạo ra đô thị mới ở phía Nam của Hồng Kông là Disney Land và Ocean Park của Hồng Kông, làm gia tăng giá trị thặng dư của bất động sản ở khu vực này và đây là một bài học kinh nghiệm rất quý để xây dựng đường sắt đô thị cho Thủ đô Hà Nội trong thu hút nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư, phát triển giao thông, đô thị.

Tuy nhiên, tên gọi của điều luật là về “giao thông công cộng” nhưng nội hàm của điều luật lại chỉ đang hướng đến phát triển đường sắt đô thị. Do đó, cần phải có sự điều chỉnh tên gọi cho phù hợp hoặc tiếp tục nghiên cứu, quy định chính sách phát triển các phương thức giao thông công cộng khác. Mặt khác, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng đã chỉ rõ, dự thảo Luật xác định TOD chỉ gắn với tuyến đường sắt đô thị và chỉ tập trung cho dân cư ở khu vực nội đô mà chưa chú trọng đến định hướng giao thông công cộng dành cho người dân từ nơi khác đến làm việc là chưa thể hiện được những đặc trưng cơ bản của TOD, chưa dự liệu đến những phương thức giao thông công cộng khác có thể sẽ phù hợp và chiếm ưu thế hơn trong tương lai.

Điểm c, khoản 2 Điều 41 quy định: Thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, được huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong một số lĩnh vực trọng điểm về khoa học công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập.

Quy định này đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực” và việc quy định việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tại dự thảo Luật là hết sức cần thiết. Do đó, tôi đồng tình với việc hình thành quỹ, cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý và cơ chế linh hoạt huy động, thu hút, quản lý nguồn lực để thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia mới được khánh thành tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần lưu ý và xác định được tên gọi cho quỹ theo mục tiêu, phạm vi, đối tượng áp dụng chứ không gọi là “Quỹ đầu tư mạo hiểm” vì Quỹ đầu tư mạo hiểm theo khái niệm chung nhất được hiểu là tập hợp của hỗ trợ về mặt tài chính đối với các công ty sáng tạo khởi nghiệp và công ty chưa lên sàn giao dịch chứng khoán; việc đầu tư mạo hiểm có thể là làm gia tăng lợi nhuận và cũng có những rủi ro nhất định.

Dự thảo Luật quy định phạm vi đầu tư của Quỹ tương đối rộng, dẫn chiếu tới Điều 25 của dự thảo Luật liên quan đến toàn bộ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác, như vậy sẽ rất khó triển khai và thiếu tính tập trung, khó tạo nên sự đột phá cho lĩnh vực then chốt. Từ đề xuất của thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập Quỹ phát triển vi mạch để thực hiện mục tiêu là trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và cả nước, đề nghị cần nghiên cứu, thu hẹp phạm vi đầu tư cho phù hợp.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, tại Điều 42 dự thảo Luật quy định cho phép thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý (hình thức O&M) đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô.

Tương tự như Điều 39, tên của Điều 42 là Quản lý tài sản công nhưng nội hàm của điều luật quy định về quản lý và tài sản công gắn với cái việc liên danh, liên kết và thực hiện O&M đối với các công trình văn hóa và thể thao. Như vậy, để phù hợp với nội dung thì tên của điều luật cần được thay đổi thành “quản lý, sử dụng các công trình thể thao, văn hóa của Thủ đô Hà Nội”. Mặc dù đây là lĩnh vực chưa được quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), tuy nhiên tôi đồng tình với quy định này và nếu thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế này sẽ nâng cao hiệu quả, phát huy được các giá trị của các công trình văn hóa, thể thao nhất là các công trình có quy mô lớn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Đây cũng là điểm dẫn đến việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách pháp luật về tài sản công cũng nhưu sẽ thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân vào vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ, chấm dứt tình trạng lãng phí và phát huy hiệu quả các công trình này.

Từ lãng phí của sân vận động quốc gia Mỹ Đình và hàng loạt công trình, thiết chế văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy những bất cập trong phương thức quản lý, vận hành, khai thác, chưa cung cấp được dịch vụ tốt cho người dân Thủ đô và nhân dân cả nước, đặc biệt là không gắn được với việc bảo trì, duy trì tuổi thọ của công trình. Qua giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách tháng cho thấy, thành phố Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện Cung thiếu nhi của Thành phố và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là một công trình hết sức hiện đại với nhiều dịch vụ dành cho trẻ em, tuy nhiên nếu không điều chỉnh cách thức quản trị và có sự tham gia của tư nhân trong khâu vận hành, khai thác, bảo trì và cung cấp dịch vụ thì e rằng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn và có thễ dẫn đến lãng phí thêm một tài sản công./.

                  

ThS. Phạm Thúy Chinh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội