DƯ ÂM KỲ HỌP THỨ 6: QUỐC HỘI COI TRỌNG CHẤT LƯỢNG VĂN BẢN LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

03/12/2023

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Việc Quốc hội quyết định lùi thời gian thông qua 02 dự án luật đã thể hiện sự thận trọng, trách nhiệm đối với cử tri và Nhân dân. đặt chất lượng lên hàng đầu để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi khi luật được thông qua.

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG: QUỐC HỘI ĐÃ, ĐANG VÀ SẼ LUÔN NỖ LỰC HẾT SỨC MÌNH VÌ LỢI ÍCH CỦA NHÂN DÂN VÀ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Toàn cảnh Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Sau 22,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành với khối lượng công việc lớn trên tinh thần “trách nhiệm, công tâm, khách quan”, Kỳ họp đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra, đạt hiệu quả, chất lượng ghi dấu ấn với nhiều điểm mới trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua 07 luật, Thông qua 09 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật.

Linh hoạt, hiệu quả, kịp thời

Về công tác tổ chức kỳ họp, đây là lần thứ hai Quốc hội tổ chức kỳ họp theo hai đợt họp tập trung, nhiều đại biểu đánh giá cao hiệu quả tổ chức theo hình thức này, giữa hai đợt có khoảng thời gian để cơ quan tiếp thu, giải trình cho thấy chất lượng của các báo cáo giải trình, tiếp thu được nâng lên rõ rệt. Đại biểu mong muốn Quốc hội sẽ duy trì hình thức tổ chức kỳ họp như vậy tại các cuộc họp thường kỳ, để các đại biểu Quốc hội có thời gian xem xét, nghiên cứu tiếp các vấn đề quan trọng và các dự án luật trình Quốc hội tại đợt họp thứ 2 kỹ lưỡng và hiệu quả hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nhìn lại việc thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 2,5 năm và đề ra những lộ trình cho nửa nhiệm kỳ 2021-2025, với nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Tại Kỳ họp, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; là cơ hội để bản thân người giữ trọng trách tự kiểm điểm, là dịp để ĐBQH thể hiện đánh giá của Nhân dân đối với những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, chương trình Kỳ họp thứ rất nặng, nội dung lớn nhưng cách thức tổ chức khá hiệu quả, đặc biệt có sự năng động, linh hoạt. Trong kế hoạch có 2 luật lớn là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp này, nhưng qua thảo luận vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục trao đổi, hoàn thiện, Quốc hội cũng đã quyết định lùi chưa thông qua và chuyển sang kỳ họp gần nhất để có sự hoàn thiện tốt hơn. Điều này cho thấy, chúng ta không chạy theo tiến độ, quan trọng nhất là chất lượng văn bản luật được ban hành sẽ tác động đến sự phát triển.

Cũng tại Kỳ họp này, đã bổ sung Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Việc bổ sung nội dung này vào ngay đầu kỳ họp đã thể hiện chúng ta có cách thức hành động phù hợp, kịp thời so với diễn biến của bối cảnh thế giới. Cách thức tổ chức linh hoạt mang lại hiệu quả thiết thực.

Quốc hội coi trọng chất lượng văn bản luật được ban hành

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý và quyết định điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, đảm bảo chất lượng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay. Thống nhất cao với quyết định này, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng khi dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau, còn có sự tranh luận, rất cần thiết có thêm thời gian xem xét, tiếp thục hoàn thiện.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước, điều chỉnh trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể lấy ví dụ trên 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai cho thấy đây là vấn đề cần được thận trọng xem xét đầy đủ, thấu đáo, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến định giá, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở và đất đô thị, vấn đề quy hoạch, công tác quản lý… Theo đại biểu, đây đều là những nội dung quan trọng cần tiếp tục hoàn thiện sát hơn với tình hình thực tế, để khi luật được ban hành có thể điều chỉnh, giải quyết ngay những vấn đề đang bức xúc của người dân, khi đó luật mới đi vào cuộc sống.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh 

Vì vậy, Quốc hội quyết định chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 và chuyển sang kỳ họp gần nhất là rất cần thiết, đảm bảo tính khả thi, khi luật có hiệu lực sẽ điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội, quan hệ dân sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ, một trong những nội dung được cử tri quan tâm là sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, bởi các nội dung dự thảo luật đã đưa vào nhiều nhóm chính sách mới có tác động mạnh mẽ đến người lao động. Điển hình như chính sách hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí hiện đang thực hiện theo Luật Người cao tuổi, trong đó 80 tuổi trở lên người cao tuổi sẽ được hưởng trợ cấp nhưng trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất giảm xuống 75 tuổi. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đây cũng là tâm tư, nguyện vọng của nhiều cử tri và Nhân dân.

Dự thảo luật cũng đề xuất các giải pháp vừa phát triển mạng lưới bảo hiểm xã hội, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần cũng được đông đảo cử tri, người lao động quan tâm. Nếu quy định cứng sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển mạng lưới bảo hiểm xã hội, nhưng nếu không quy định chặt chẽ sẽ dẫn tới tình trạng làn sóng người rút bảo hiểm một lần như thời gian qua đã xảy ra, vì vậy, vấn đề này được cử tri, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm dành thời gian nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo chất lượng cao nhất khi được Quốc hội thông qua.

Giám sát tối cao tiếp tục có nhiều đổi mới

Hoạt động giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 6 có nhiều đổi mới cả về chất và lượng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao chất lượng tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng đều được đổi mới, bổ trợ cho nhau trong quá trình xây dựng hiệu lực, hiệu quả của hoạt động Quốc hội. Trong năm 2023, hoạt động giám sát từng bước được đổi mới, đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: giám sát để kiến tạo và phát triển. Những đổi mới đáng chú ý đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức kế hoạch triển khai trên phạm vi toàn quốc về hoạt động giám sát; Giám sát ngay trong quá trình các nghị quyết của Quốc hội đang được triển khai thực hiện; Giám sát là cơ sở quan trọng trong quá trình lập pháp, thẩm tra các dự án luật – đây là điểm mới và cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp. Bởi ngoài vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra các dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề tối cao trên phạm vi rộng, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có cơ sở nhìn nhận, đánh giá cho ý kiến khi tham gia góp ý hoàn thiện các dự án luật, giúp các luật được Quốc hội thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Đặc biệt, trong năm 2024, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông song song với việc xem xét, cho ý kiến dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, việc Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề đối với các nội dung liên quan đến các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động rất quan trọng, là cơ sở cho đại biểu Quốc hội có cách nhìn tổng thể hơn.

Ngoài mục tiêu giám sát để phục vụ quá trình xem xét, thông qua luật, giám sát những nghị quyết mang tính chất đặc thù như Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang trong quá trình triển khai thực hiện là cách làm đổi mới. Bởi giám sát không cần chờ đến giữa nhiệm kỳ hoặc cuối nhiệm kỳ mới tổ chức giám sát lại, mà tổ chức giám sát thường xuyên, giám sát thường niên giúp Chính phủ sửa đổi kịp thời, đưa chính sách vào cuộc sống tốt hơn.

Giám sát tối cao thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Đại biểu Ma Thị Thúy – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nhận định, quy trình lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai minh bạch và nghiêm túc theo đúng quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là kết quả của cả quá trình chuẩn bị khẩn trương, thận trọng, nghiêm túc và trách nhiệm cao của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cư quan, tổ chức hữu quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là để các chức danh thấy được mức độ tín nhiệm của ngành mình quản lý điều hành để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và cũng là cơ sở để xem xét đánh giá cán bộ.

Lan Hương

Các bài viết khác