ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG ĐẨY NHANH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC LẬP PHÁP, THẨM TRA MỘT SỐ DỰ ÁN LUẬT TRONG NĂM 2024
NĂM 2024 - ỦY BAN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Phát biểu tại cuộc họp tổng kết, đánh giá công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản đánh giá cao tinh thần khẩn trương, chủ động xây dựng, tổ chức, thực hiện kế hoạch công việc trong năm công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Các kế hoạch đều bám sát nội dung, nhiệm vụ được phân công, chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp thực hiện tốt Đề án xây dựng Quốc hội điện tử.
Toàn cảnh cuộc họp tổng kết, đánh giá công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tập thể Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và tập thể cán bộ, công chức, đảng viên trong đơn vị đã cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm cao để hoàn thành cơ bản, xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Các dự án Luật do Ủy ban chủ trì thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua đều đạt tỷ lệ tán thành cao; hoàn thành chủ trì, tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”. Ủy ban cũng tích cực tham gia cho ý kiến với nhiều dự án luật, nhiều báo cáo khác; tích cực thực hiện giám sát chuyên đề của Ủy ban, khảo sát, làm việc thực tế về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, các công trình quan trọng của quốc gia…
Trong năm 2024, khối lượng công việc lập pháp của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường khá lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần chủ động trong kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ một cách khoa học, bám sát tiến độ đề ra nhưng cũng phải đảm bảo sát thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc họp.
Ủy ban cần phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung tổng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đặc biệt là những vấn đề khó, thời gian gấp gáp. Bên cạnh đó, Ủy ban cần triển khai các đoàn giám sát, khảo sát làm việc với các Bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các nội dung trọng tâm, trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ ngành, địa phương, tăng cường tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học. Mặt khác, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần chú trọng tới công tác giải trình, không cần lựa chọn vấn đề quá lớn với thời gian triển khai dài, mà cần triển khai ngay những vấn đề có tính thời sự, vấn đề bức xúc mà cử tri nêu ra và phải có kết luận để kịp thời xử lý, đưa ra các giải pháp cụ thể đối với Chính phủ và các cơ quan.
Ngoài ra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tập trung triển khai thẩm tra Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Các Bộ ngành đã tích cực triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật, phối hợp trong giám sát
Nhìn nhận lại những nhiệm vụ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thực hiện trong năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, trong năm 2023, Ủy ban được giao nhiệm vụ thẩm tra, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi.
Qua theo dõi, cho đến nay, Bộ Công thương và các Bộ ngành, đơn vị liên quan đã có sự vào cuộc, triển khai rất khẩn trương, tích cực. Đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật tới người dân cũng như xây dựng các Nghị định, hướng dẫn thi hành Luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị quyết định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để sao cho việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Đối với công tác giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi khẳng định, đây là nội dung lớn nên ngay trong quá trình giám sát đã tạo ra sự chuyển biến về việc thực hiện chính sách về năng lượng.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 937 ngày 13/12/2023 thì Bộ Công thương đã triển khai ngay việc xem xét để sớm có đề xuất, cơ chế, chính sách đối với việc phát triển điện khí, điện gió. Ngoài ra, qua công tác giám sát, sự tham gia phối hợp của các cơ quan với phạm vi lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và địa phương đã thể hiện sự tích cực, chủ động nên đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giám sát.
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5.
Liên quan đến việc giám sát Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết yết số số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về dự án đường Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tích cực đôn đốc Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành hữu quan thực hiện các đoạn đường còn lại của dự án.
Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 liên quan đến nhiều yếu tố
Đề cập về những nhiệm vụ triển khai trong năm 2024, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, Tiểu ban Xây dựng, giao thông, công thương được phân công tham gia thẩm tra Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là Quy hoạch lớn vì liên quan đến nhiều yếu tố: phát triển kinh tế-xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại của quốc gia nên cần được nghiên cứu, thẩm tra kỹ lưỡng.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được giao nhiệm vụ thẩm tra Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (ảnh minh họa: Internet)
Cho đến nay, Ủy ban đã triển khai được 05 nhóm việc quan trọng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến. Theo đó, Ủy ban đã tổ chức để nghe ý kiến đóng góp của toàn thể Ủy ban tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 về quy trình, nội dung liên quan đến Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Tổ chức khảo sát tại 07 địa phương; Tổ chức Hội thảo với Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật Việt Nam về nội dung của Quy hoạch; Gửi hồ sơ để xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến; Dự thảo sơ bộ, mời các chuyên gia đóng góp ý kiến về Quy hoạch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cũng bày tỏ mong muốn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải quan tâm chỉ đạo và đề xuất với Thường trực Ủy ban bố trí để nghe về Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, sát với yêu cầu thực tế.
Liên quan đến việc thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, Tiểu ban Xây dựng, giao thông, công thương cũng đã được Chủ nhiệm Ủy ban giao nhiệm vụ thực hiện ngay từ đầu năm 2024. Do đó, Tiểu ban cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ ngành liên quan triển khai các công đoạn cần thiết cho quá trình biên soạn, thẩm tra dự án Luật này./.