KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO NĂNG LỰC, KỸ NĂNG GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

20/02/2024

Giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của Hội đồng nhân dân (HĐND). Hiệu quả của hoạt động này được đảm bảo bằng kết quả hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND. Trong đó, vai trò của mỗi đại biểu HĐND là hết sức quan trọng.

TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND là hoạt động có mục đích, nhằm giúp HĐND, đại biểu HĐND nắm bắt được tình hình thực tiễn của địa phương, thông qua đó, có thêm những căn cứ để HĐND thực hiện chức năng quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền; phát hiện các ưu điểm, kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương cũng như những vấn đề còn bất cập, hạn chế, chưa sát với thực tiễn hoặc trái quy định để có biện pháp xử lý phù hợp, theo quy định pháp luật.

Hiện nay pháp luật đã quy định về cơ chế, nội dung, đối tượng giám sát của đại biểu HĐND khá đầy đủ. Cụ thể: về yêu cầu trong thực hiện hoạt động giám sát của đại biểu HĐND phải đảm bảo yêu cầu tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, việc thực hiện quyền giám sát của đại biểu HĐND phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Về đối tượng, nội dung hoạt động giám sát của đại biểu HĐND: Tại khoản 1, Điều 83 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, bao gồm: Chất vấn những người bị chất vấn quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 của Luật hoạt động giám sát; Giám sát quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Theo đó, đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Thường trực HĐNDhoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn quy định. Trình tự thủ tục giám sát văn bản của đại biểu HĐND được quy định cụ thể tại Luật giám sát; trong hoạt động giám sát văn bản pháp luật, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét nội dung quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của HĐNDcấp dưới trực tiếp và thường xuyên theo dõi, xem xét việc thi hành pháp luật tại địa phương, khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm.

Trường hợp nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết.

Hình thức giám sát của đại biểu HĐND thông qua việc tự mình thực hiện hoặc tham gia hoạt động giám sát do HĐND, Thường trực, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tổ chức.

Trên cơ sở các quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và mới đây là Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp đã đạt được một số kết quả khả quan. Những kết quả tích cực trong hoạt động của đại biểu HĐND đã góp phần quan trọng để HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cử tri giao phó, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương,…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động giám sát của đại biểu HĐND thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: một số đại biểu chưa phát huy hết trách nhiệm, vai trò của mình; điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát của đại biểu còn gặp nhiều khó khăn; một số quy định của pháp luật về hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn chung chung, chưa cụ thể;…

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND, từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân kiến nghị: Cần nâng cao trách nhiệm, hiệu quả tham gia của đại biểu HĐND trong việc tham gia thành viên các đoàn giám sát của HĐND, Thường trực, Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND. Theo đó, đoàn giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, Ban HĐND cần phân công cụ thể cho từng đại biểu HĐND tham gia làm thành viên có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, các quy định pháp luật để tham gia có hiệu quả vào hoạt động giám sát. Trong quá trình giám sát, đại biểu HĐND phải thể hiện chính kiến rõ ràng về kết quả đạt được, ghi nhận, biểu dương những ưu điểm và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ. Sau khi kết thúc giám sát, từng đại biểu HĐND phải có ý kiến tham gia vào báo cáo tổng hợp kết quả giám sát; trong đó, nội dung ý kiến tham gia phải đánh giá được ưu điểm, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, để trên cơ sở đó có đề xuất, kiến nghị cụ thể, phù hợp.

Để các kiến nghị sau giám sát đi vào thực tế cuộc sống, đại biểu HĐND cần phát huy vai trò theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời.

Ngoài ra, Ban Công tác đại biểu tiếp tục quan tâm, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đại biểu dân cử, đặc biệt là đại biểu mới lần đầu tham gia HĐND ngay từ đầu nhiệm kỳ và tổ chức thường xuyên hàng năm. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn cần tập trung vào các kỹ năng phục vụ cho hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri,…

Cũng theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Ái Vân cần tiếp tục quán triệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân từng đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ. Yêu cầu đại biểu HĐND phải bảo đảm dành thời gian theo quy định của pháp luật để tham gia các hoạt động của HĐND và thực hiện đúng, hiệu quả Chương trình hành động của mình trước cử tri. Đặc biệt, các đại biểu phải am hiểu, có kỹ năng sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt công tác thẩm tra, giám sát và trong các kỳ họp của HĐND.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương cho rằng, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của người đại biểu HĐND các cấp. Làm tốt hơn nữa việc cung cấp đầy đủ tài liệu và thông tin cần thiết cho đại biểu nghiên cứu; nghiên cứu lựa chọn các nội dung giám sát, giải trình, chất vấn đúng và trúng vào các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm; động viên, khuyến khích đại biểu không chuyên trách tích cực tham gia hoạt động HĐND.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND Tp. Hà Nội Duy Hoàng Dương cũng kiến nghị, nghiên cứu quy định bổ sung số lượng, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND các cấp, đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định chức danh ủy viên chuyên trách – đại biểu HĐND chuyên trách tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội 

Đưa ra giải pháp dưới góc độ nghiên cứu, TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Đại biểu phải gắn bó với cử tri, vừa lắng nghe vừa phản ánh trung thực ý kiến nguyện vọng của cử tri, vừa giám sát, vừa tác động và đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Vì vậy, TS. Đoàn Thị Tố Uyên cho rằng, Thường trực HĐND các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức không ngừng để nâng cao năng lực, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động giám sát của đại biểu HĐND các cấp. Đại biểu HĐND cần tăng cường trách nhiệm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng giám sát; đại biểu kiêm nhiệm cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động giám sát. Ngoài việc được tập huấn chung vào đầu các nhiệm kỳ như hiện nay, các cơ quan chức năng cần xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chyên sâu cần thiết theo từng lĩnh vực để đại biểu HĐND thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề xuất: Bảo đảm các điều kiện về cơ sở, vật chất, kinh phí phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND; hoàn thiện mô hình Văn phòng điện tử, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tham mưu, phục vụ và xây dựng bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND theo hướng chuyên nghiệp; quan tâm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của đại biểu HĐND;…./.

Lê Anh

Các bài viết khác