THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG LÊ MINH NGÂN: LUẬT ĐẤT ĐAI ĐÃ CHUYỂN TỪ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI BẰNG CÁC CÔNG CỤ HÀNH CHÍNH SANG SỬ DỤNG CÁC CÔNG CỤ KINH TẾ

20/02/2024

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; chuyển từ quản lý đất đai bằng các công cụ hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế

HỌP BÁO CÔNG BỐ LỆNH CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC CÔNG BỐ LUẬT ĐẤT ĐAI VÀ LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Chuyển từ quản lý đất đai bằng các công cụ hành chính sang sử dụng các công cụ kinh tế

Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 đã kế thừa, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến đất đai. Đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi chính sách này.

Luật Đất đai đã đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững. Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.

Nhiều quy định mới liên quan đến tài chính về đất đai, giá đất

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của Luật Đất đai là tài chính về đất đai, giá đất. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, nội dung về tài chính đất đai, giá đất được quy định tại Chương XI (gồm 10 Điều, từ Điều 153 đến Điều 162).

Trong đó, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 01/01 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ và quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất

Luật Đất đai cũng quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định sử dụng đất. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất; đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phéo chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất.

Bổ sung quy định tiền thuê đất hằng năm được áp dụng ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tiền thuê đất cho chu kỳ tiếp theo được tính căn cứ bảng giá đất của năm xác định tiền thuê đất tiếp theo. Trường hợp tiền thuê đất tăng so với chu kỳ trước thì được điều chỉnh nhưng không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất trong Luật, quy định điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất; giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong Bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong Bảng giá đất. Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể để đảm bảo tính độc lập khách quan trong quá trình định giá.

Liên quan đến quy định về tài chính đất đai, Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua cũng hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó: bổ sung các trường hợp miễn, giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, đối tượng chính sách; trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác