PHIÊN CHẤT VẤN LÀ CƠ HỘI TIẾP TỤC ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

17/03/2024

Theo chương trình phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày (18/3) để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law mong muốn, phiên chất vấn lần này sẽ tiếp tục có các giải pháp hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ CHỦ TRÌ BUỔI LÀM VIỆC VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO PHIÊN CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

LUẬT SƯ PHAN CÔNG TIẾN: KHÔNG CÓ VÙNG CẤM ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI QUỐC HỘI

Buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phóng viên: Ngày 18/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 02 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao. Luật sư có nhận định như thế nào đối với nhóm vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Lĩnh vực tài chính và lĩnh vực ngoại giao là hai lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, cần phải đưa ra tranh luận, phản biện, nêu lên thực trạng cũng như những tồn tại, hạn chế để đưa ra cơ chế điều hành mang lại hiệu quả cao hơn cho xã hội. Bên cạnh đó, các nhóm vấn đề mà Quốc hội lựa chọn rất đúng, phù hợp với thực tế, được dư luận và nhân dân cả nước quan tâm.

Đối với lĩnh vực tài chính, một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính đang cần quan tâm nhất hiện nay là liên quan đến hoạt động tài chính – ngân hàng. Vừa qua, các vụ việc đình đám như vụ việc liên quan đến Vạn Thịnh Phát cùng 85 bị cáo khởi tố về các tội  “ Tham ô tài sản” , “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Về vấn đề cụ thể, trên thị trường bảo hiểm liên tục xảy ra nhiều vụ việc lùm xùm, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành kinh doanh bảo hiểm như “ép” khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng, hay là các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm cần phải rõ ràng nhưng câu chữ cài cắm trong hợp đồng bảo hiểm hàng mấy chục trang, hàng trăm trang là không thể chấp nhận. Những người có trình độ, kể cả cán bộ đại lý bảo hiểm không thể nào hiểu hết nội dung, điều khoản thì làm sao người dân bình thường có thể hiểu. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ và thống nhất, đảm bảo tốt nhất tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các bên, kết hợp với tính hiệu quả cao trong công tác quản lý Nhà nước, giám sát và xử lý vi phạm từ phía các cơ quan chức năng là những điều kiện không thể thiếu để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm và thị trường bảo hiểm có thể phát triển ổn định, có trật tự và lành mạnh, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tham gia bảo hiểm.

Đối với vấn đề về thẩm định, cấp phép hoạt động, thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng mặc dù khuôn khổ pháp lý đối với các lĩnh vực này đã được Chính phủ ban hành các Nghị định để điều chỉnh, tuy nhiên trước thực trạng nhu cầu tham gia các hoạt động vui chơi có thưởng của một bộ phận người dân là có và ngày càng tăng cao, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh về xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử.

Đối với vấn đề công tác quản lý giá và quyết định giá hàng hóa, trong hoạt động điều hành giá, Nhà nước cần bám sát các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan, đặc biệt là bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước chỉ nên can thiệp vào thị trường ở một vài thời điểm nhất định.

Đối với vấn đề liên quan đến hải quan, Bộ Tài Chính cần phải kiểm tra,  giám sát ngành Hải quan về việc triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách ngay từ những tháng đầu năm, thu đủ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, làm tốt nhiệm vụ tham mưu về công tác chống buôn lậu, có cơ chế quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, góp phần bảo vệ cộng đồng, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Đối với lĩnh vực ngoại giao, cần phải tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp cận và hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, giải quyết những vướng mắc, tranh chấp với người sử dụng lao động và môi giới nước ngoài về việc làm và điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập, đóng thuế thu nhập, chi phí theo quy định.

Đối với hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, đây là thời điểm ngành du lịch Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thu hút khách quốc tế. Bên cạnh yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, kích thích khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, cần đặc biệt quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá ở những thị trường du lịch trọng điểm. Đây cũng là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết 124/NQ-CP.

Bộ Ngoại giao cần phối kết hợp với các bộ, ban, ngành liên quan thúc đẩy ngoại giao văn hóa; xây dựng các chương trình văn hóa lồng ghép trong các hoạt động ngoại giao để quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô và uy tín trong khu vực và thế giới. Để làm được những mục tiêu, kế hoạch đó cần có những giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn hiện nay như: kinh phí hạn hẹp; thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và địa phương; chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch chưa đảm bảo; … đối với hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Điều chỉnh về thị thực theo hướng cởi mở là một trong những bước đầu khởi động một lộ trình thông thoáng để Việt Nam rộng cửa đón khách.

Đối với công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại và giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao, ngành ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò đó thể hiện qua một số khía cạnh như: bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao vị thế quốc tế; giữ gìn hòa bình, ổn định; … Chính vì thế, cần chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao, kể cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng ngành Ngoại giao. Để những nỗ lực đó sớm hoàn thành, việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao là cấp thiết. Cần phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình công tác theo hướng công khai, minh bạch; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; … tránh xảy ra những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vụ án “đưa hối lộ; nhận hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; môi giới hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan năm 2023.

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law

Phóng viên: Trong các nhóm vấn đề trên, Luật sư quan tâm cụ thể đến những nội dung nào?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Trong những nhóm vấn đề trên, tôi quan tâm nhiều nhất đến vấn đề quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh xổ số, kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới.

Trong lĩnh vực kinh doanh xổ số hiện nay, đặc biệt đối với xổ số kiến thiết, phương thức quản lý, vận hành và phát hành xổ số kiến thiết còn khá thủ công, chưa khai thác được hết tiềm năng phát triển. Ở góc độ thương mại, phương thức thủ công có dấu hiệu hạn chế việc mở rộng phát hành đối với xổ số kiến thiết. Trong khi đó, pháp luật liên quan trong lĩnh vực kinh doanh xổ số kiến thiết chưa có các quy định cụ thể để tăng cường, mở rộng việc phát hành xổ số kiến thiết trên mạng Internet và các kênh trực tuyến khác.  Vì vậy, đối với lĩnh vực kinh doanh xổ số, thiết nghĩ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần từng bước mở rộng, thúc đẩy phát triển. Bước đầu có thể định hướng chuyển đổi số từng bước, tăng cường số hóa theo lộ trình đối với phương thức quản lý, vận hành và phát hành xổ số kiến thiết. Thông qua đó, tạo sự thay đổi về cách tiếp cận trong công tác quản lý ngành, từng bước mở rộng về phương thức phát hành đối với xổ số kiến thiết.

Đối với vấn đề bảo hiểm, việc phát triển nhanh hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Trong đó hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Cần đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động của thị trường bảo hiểm. Đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ thường hay phát sinh vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Cần có những giải pháp căn cơ để lành mạnh hóa hoạt động kinh doan bảo hiểm.

Đối với hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong năm 2023, toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.618 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521,26 tỷ đồng, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022. Công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua khu vực cửa khẩu, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều thủ đoạn tinh vi, thường xuyên theo dõi các hoạt động của lực lượng chức năng để canh đường. Đặc biệt, các đối tượng rất manh động và liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện và bắt giữ. Do vậy, cần phải nỗ lực hơn trong công tác đảm bảo siết chặt thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đối với hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới, hiện nay về nhân lực, vật lực cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế, cần có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút khách du lịch nước ngoài. Chẳng hạn: đẩy mạnh các hoạt động liên kết, phát triển điểm đến xanh, bền vững, lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm; thay đổi phương thức xúc tiến thương mại dựa trên các phân khúc: Du lịch cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, nông thôn, …; phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế tiềm năng để thu hút khách quốc tế, quan trọng là sản phẩm phù hợp giữ chân du khách; …

Phóng viên: Luật sư có kỳ vọng như thế nào về kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội?

ThS.Luật sư Phan Công Tiến - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Equity Law: Cử tri và nhân dân cả nước luôn dành sự quan tâm lớn đối với các kì họp Quốc hội cũng như đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng. Các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân.

Chính vì vậy, nội dung mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn chất vấn, giám sát liên quan đến 02 lĩnh vực tài chính và ngoại giao đều là những vấn đề nóng, vấn đề nổi lên, có tầm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Đây cũng là vấn đề lớn. Việc tổ chức chất vấn những vấn đề lớn tại một phiên họp giữa nhiệm kỳ chắc chắn sẽ góp phần tăng cường quản lý, giám sát đối với những lĩnh vực, ngành then chốt, phát huy hiệu quả công tác quản lý.

Tôi mong muốn rằng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có các giải pháp hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Minh Thành