THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG AN NINH HỌP PHIÊN MỞ RỘNG, THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ (SỬA ĐỔI)

19/03/2024

Để chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3, chiều 19/3 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Chủ trì phiên họp.

CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

Dự phiên họp có các đồng chí Thường trực, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Về phía cơ quan soạn thảo có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Phạm Trường Sơn - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đại diện các Bộ, ngành có liên quan.

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (5/2024).

Theo Tờ trình số 82 ngày 5/3/2024 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024, Chính phủ đề nghị dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nếu được chuẩn bị tốt, thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết, ngày 08/3/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 83/TTr-CP cùng hồ sơ dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gửi Quốc hội.

Trung tướng Lê Tấn Tới - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Chủ trì phiên họp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) sẽ tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản hoá những quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh dự phiên họp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần quản lý, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại phiên họp.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 08 chương, 74 Điều.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phạm vi điều chỉnh cũng như sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, sự tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin nội dung phiên họp.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác