HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

26/03/2024

Chiều ngày 26/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nhiệm kỳ khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Hội nghị.

10 VẤN ĐỀ LỚN TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: HỘI NGHỊ CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CHO VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỦA KỲ HỌP THỨ 7

HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5, NHIỆM KỲ KHÓA XV CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nhiệm kỳ khóa XV thảo luận dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Tại phiên họp, đa số ý kiến đánh giá cao và tán thành với nhiều quy định mới, được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo, khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện hành trong công tác xét xử hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng công tác Tòa án khi Luật có hiệu lực thi hành như: quy định về mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp…

Một số đại biểu cũng tiếp tục góp ý hoàn thiện các quy định liên quan đến Toà án thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 3); việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15); về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4); về Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ khoản 1 Điều 4, Điều 62, Điều 63); về ngạch Thẩm phán…

Cho ý kiến về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), dự thảo luật trình 02 phương án, trong đó nhiều đại biểu chọn Phương án 1 đó là giữ nguyên tổ chức Tòa án ở địa phương hiện nay gồm Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện. Vì có thể thấy hiện nay, mặc dù tên gọi của Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện gắn với đơn vị hành chính địa phương nhưng hoạt động của Tòa án vẫn độc lập với bộ máy chính quyền địa phương, về cơ cấu tổ chức vẫn thuộc sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện theo ngành dọc mà không chịu sự chi phối của chính quyền địa phương. Hệ thống Tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hiển – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nên cân nhắc, nghiên cứu, xem xét lựa chọn phương án 2 về việc đổi tên; đồng thời đề nghị ban soạn thảo giải trình làm rõ vấn đề này. Theo một số địa biểu, việc đổi tên tòa án theo thẩm quyền xét xử phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, phù hợp với Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; góp phần nâng cao nhận thức về tổ chức hoạt động của tòa án theo nguyên tắc xét xử độc lập, khắc phục cách hiểu quan hệ tòa án là quan hệ hành chính; tạo điều kiện phát huy chuyên môn hóa trong giải quyết các vụ việc đặc thù….

Đóng góp ý kiến hoàn thiện quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, luật hiện hành không quy định phạm vi thu thập chứng cứ của Tòa án. Luật tố tụng quy định các hoạt động/biện pháp thu thập chứng cứ, trong đó luật tố tụng dân sự, hành chính có quy định: nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Từ đó nhiều đương sự không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, dẫn tới nhiều Tòa án quá tải công việc. Vì vậy, cần rà soát để quy định lại cho chặt chẽ việc Tòa án thu thập chứng cứ ngay trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy nếu Tòa án không thu thập chứng cứ trong một số trường hợp thì có thể gặp khó khăn hoặc không giải quyết được vụ án, vụ việc. Mặt khác, việc quy định Tòa án thu thập chứng cứ cần xem xét điều kiện thực tiễn của nước ta về trình độ dân trí, ý thức pháp luật, hoàn cảnh kinh tế của một bộ phận nhân dân… Vì vậy, có ý kiến đề nghị, bên cạnh quy định Tòa án yêu cầu, hướng dẫn, hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; cần quy định Tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ để thể chế hóa Nghị quyết 27 và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Có ý kiến tán thành quy định như dự thảo luật, trong đó 5 khoản Điều 15 đã quy định tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và nâng cao ý thức pháp luật của công dân. Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung quy định Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Một số ý kiến tại Hội nghị cũng góp ý hoàn thiện quy định về giải thích căn cứ áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án tại Điều 31. Theo đó, việc quy định nhiệm vụ của Tòa án “giải thích áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án trong dự thảo Luật là cần thiết, bởi hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là hoạt động lâu nay các Tòa án, Thẩm phán vẫn đang làm khi xét xử. Do đó, việc luật hóa hoạt động này vào luật sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với các Tòa án, các Thẩm phán, tạo cơ sở pháp lý để xã hội giám sát hoạt động xét xử, giám sát bản án của Tòa án. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nên quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân, trong đó dự thảo mới chỉ quy định về nghĩa vụ của Hội thẩm nhưng chưa quy định chế tài tương ứng. Do đó, cần quy định về trách nhiệm và chế tài của Hội thẩm nhân dân để đảm bảo chất lượng xét xử…

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo luật; cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo luật đã được chỉnh lý trên tinh thần đổi mới, tiệm cận trình độ quốc tế, diễn đạt mạch lạc, khoa học. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng giải trình, cung cấp thêm một số ý kiến đại biểu nêu liên quan đến việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, dự thảo luật đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó tòa án có nhiệm vụ yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập chứng cứ, tiếp nhận chứng cứ, tài liệu do các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập và kiểm tra, thẩm định các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu, rà soát kỹ thuật lập pháp, chỉnh sửa cách diễn đạt phù hợp, khoa học hơn.

Chánh án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng thông tin thêm về quy định liên quan đến phân án ngẫu nhiên. Đây là xu thế chung của thế giới, nhằm đảm bảo tính độc lập, hơn nữa quy định phân án ngẫu nhiên cũng đã xây dựng thông tư hướng dẫn, trong đó đối với một số vụ án phức tạp sẽ phân công cho thẩm phán có năng lực, nhưng cũng thực hiện phân công ngẫu nhiên trong số các thẩm phán có năng lực để đảm bảo độc lập, khách quan trong hoạt động xét xử.

Về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, kinh nghiệm quốc tế cho thấy không có quốc gia nào tổ chức tòa án theo đơn vị hành chính, mà theo thẩm quyền xét xử. Việc đổi tên cũng có các quy định đổi thầm quyền xét xử và được quy định trong dự thảo luật, sẽ mang lại lợi ích là đảm bảo nguyên tắc độc lập của tòa án, đây là xu hướng tiến bộ, nếu không thực hiện sẽ lỡ cơ hội đổi mới triệt để tòa án…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết thúc nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 12 ý kiến đại biểu phát biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tiếp thu, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; còn một số đại biểu đăng ký phát biểu nhưng do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.

Sau hội nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan hoàn chỉnh nội dung tiếp thu giải trình ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ lấy ý kiến cơ quan liên quan, gửi hồ sơ dự án luật tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội cho ý kiến, tiếp thu, hoàn chỉnh, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nhiệm kỳ khóa XV thảo luận dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Cạn phát biểu

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang phát biểu

Lan Hương