BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI, THU HÚT ĐÔNG ĐẢO NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA CÔNG ĐOÀN

28/03/2024

Tham vấn chuyên gia tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 28/3, các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người lao động, từ đó thu hút đông đảo người lao động tham gia Công đoàn.

HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI)

Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Hiện nay, dự thảo Luật lấy ý kiến dự kiến gồm 6 chương, 35 điều, quy định về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Ths. Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Góp ý tại Hội thảo, Ths. Đặng Đình Luyến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về công đoàn và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.

Nghiên cứu dự luật, Ths. Đặng Đình Luyến cũng cho rằng, dự thảo luật cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cùng quan điểm, TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn tại thời điểm hiện nay là thực sự cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2021 với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quan hệ lao động, về quyền của người lao động tham gia tổ chức đại diện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết tuân thủ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động theo các công ước của Tổ chức quốc tế (ILO), trong đó có Công ước số 98 của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể.

 TS. Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, TS. Nguyễn Thị Thanh, Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn cho biết, Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (Luật Công đoàn) – trải qua hơn 10 năm thực hiện đã góp phần quan trọng trong phát huy sức mạnh, uy tín, sự phát triển của tổ chức Công đoàn; góp phần giữ vững ổn dịnh chính trị - xã hội, thúc đẩy quan hệ lao động, sản xuất hài hòa phát triển; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi; hội nhập quốc tế đã chuyển sang giai đoạn mới,… Do đó, Luật Công đoàn đã xuất hiện những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải được tiếp tục hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh so với Luật Công đoàn năm 2012, Dự thảo Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật hiện hành; đồng thời đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và Bộ luật Lao động hiện hành, cụ thể: Phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ; phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 12/6/2021 về đổi mưới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Ngoài ra, các nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật cơ bản phù hợp với nội dung, tinh thần của Bộ Luật Lao động năm 2019 và một số quy định pháp luật khác.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn 

Nghiên cứu Hồ sơ Dự án Luật, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời nhất trí cao sự cần thiết sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tỏ chức Công đoàn trong thời kỳ hội  nhập kinh tế quốc tế, cụ thể: Cần thiết phải mởi rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật cho phù hợp với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn; Yêu cầu phải thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, và các văn bản pháp luật mới ban hành sau Hiến pháp 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Hiến pháp và hệ thống pháp luật;…

“Do đó Luật Công đoàn cần phải sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; bảo đảm tốt nhất quyền lợi người lao động và bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam,… ”, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn.

Trên cơ sở nhất trí sửa đổi và một  số chính sách đề xuất, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát, bổ sung về hoàn thiện đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với các quy định về: quyền giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn; tài chính công đoàn; xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn;…

Nhấn mạnh đây là dự án luật khó, có nhiều nội dung mới, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình hoàn thiện cần tiếp tục có đánh giá tác động kỹ lưỡng; tham khảo kinh nghiệm; đảm bảo tính khả thi sau khi luật được ban hành./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác